Sông Công xây dựng vùng cây ăn quả giá trị cao
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Quân, tổ dân phố Kè, phường Lương Sơn, thu hút nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất. |
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Sông Công chú trọng cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng một số loại cây ăn quả chất lượng cao và bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
TP. Sông Công hiện có trên 1.000ha cây ăn quả, được trồng chủ yếu tại các khu vực ngoại thành và trên đất vườn đồi… Hằng năm, thành phố triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả, trong đó, tập trung sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây (2016-2021), toàn thành phố đã trồng mới và cải tạo trên 140ha cây ăn quả. Nhiều giống cây ăn quả mới đã được đưa vào trồng, nhân rộng trên địa bàn, như: Bưởi Diễn, nhãn muộn, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ... Đặc biệt, TP. Sông Công đã phát triển được vùng trồng bưởi tập trung với diện tích khoảng 90ha. Đến nay, địa phương đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận VietGAP được 40ha, tập trung tại các xã Tân Quang, Bá Xuyên, Bình Sơn và phường Châu Sơn. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể Bưởi Tân Quang - Sông Công.
Là một trong những địa phương có lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, xã Bá Xuyên đã xây dựng được hàng chục mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao, cho thu nhập khá, với tổng diện tích trên 30ha. Trước đó, xã đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ.
Anh Đồng Văn Xiêm, Trưởng xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên, nói: Nhờ được tiếp cận khoa học kỹ thuật và tham quan thực tế tại một số mô hình, bà con nông dân trong xóm đã mạnh dạn đưa các loại cây ăn quả vào trồng với diện tích hơn 10ha. Không ít hộ phát triển cây ăn quả trở thành nghề sản xuất và nguồn thu nhập chính của gia đình.
Bên cạnh đó, TP. Sông Công cũng đã áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương, nhằm khuyến khích người dân phát triển các loại cây ăn quả. Cụ thể, hỗ trợ một lần 40% kinh phí đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm (không quá 20 triệu đồng/ha, quy mô tối thiểu 2ha); hỗ trợ 40% chi phí phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh trong 3 năm đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm cây ăn quả theo hướng hữu cơ (không quá 15 triệu đồng/ha, quy mô tối thiểu 3ha). Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, TP. Sông Công đã hỗ trợ phân bón vi sinh trên cây ăn quả với diện tích 10ha; hỗ trợ trên 30ha điểm tưới tiết kiệm nước với các vườn cây ăn quả... Thành phố cũng đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản.
Từ những hình thức hỗ trợ trên, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô, xây dựng tổ hợp tác và chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Văn Quân, ở tổ dân phố Kè, phường Lương Sơn, chia sẻ: Sau khi tham gia lớp sơ cấp nghề trồng hoa cây cảnh do thành phố tổ chức, năm 2010, tôi đã cải tạo hơn 13.000m2 vườn tạp để trồng khoảng 600 gốc hoa đào và hơn 300 gốc bưởi Diễn lấy quả. Đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình tôi đang phát triển ổn định, mang lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.
Còn theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế TP. Sông Công: Hằng năm, diện tích cây ăn quả của thành phố được mở rộng từ 30-50ha; thu nhập của các hộ trồng cây ăn quả cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, phát triển cây ăn quả ở địa phương vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi, người dân chủ yếu trồng với quy mô nhỏ, phân tán nên việc đầu tư hạ tầng hay áp dụng công nghệ cao vào sản xuất gặp khó khăn. Ở một số diện tích, bà con chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng thấp, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương...
Giai đoạn 2021-2025, TP. Sông Công tập trung phát triển các loại cây ăn quả như: Bưởi, nhãn muộn, thanh long... Trong đó, chú trọng hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung, chủ lực, theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng bưởi chất lượng cao đạt 100ha; giá trị sản phẩm bưởi đến năm 2025 đạt trên 25 tỷ đồng; có 1-2 sản phẩm bưởi đạt chứng nhận OCOP... |