Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

Cập nhật: Thứ sáu 26/09/2014 - 09:03
 Thời gian qua, việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh Nông dân xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa.
Thời gian qua, việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh Nông dân xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa.

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một đề án quan trọng nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp thực sự tăng trưởng về chất, góp phần vực dậy nền kinh tế nước nhà… Với một tỉnh mà thu nhập của hơn 70% dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như Thái Nguyên, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một đòi hỏi bức thiết đặt ra hiện nay.

Kỳ I: Mục tiêu chính là phục vụ nông dân

 

Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nông nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn…

 

Nông nghiệp - giá đỡ cho nền kinh tế của tỉnh

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có bước tiến đáng kể. Riêng năm 2013, bình quân lương thực cây có hạt của tỉnh đạt 384 kg/người, cao hơn so với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc từ 40-50 kg/người. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản đã giảm theo định hướng của tỉnh, cụ thể là giảm từ 20,78% xuống còn 19,74%, nhưng giá trị sản xuất của ngành vẫn tăng…

 

Chị Trần Thị Nguyệt, xóm Tiến Thành, xã La Bằng (Đại Từ): Chúng tôi rất phấn khởi khi được tỉnh trợ giá 100% cho các giống chè mới với năng suất, chất lượng cao. Việc hỗ trợ này giúp bà con nông dân có điều kiện chuyển đổi sang trồng các giống chè cho hiệu quả kinh tế cao từng bước tăng thu nhập, ổn định đời sống...

 

Toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn thì có tới 142 xã nông thôn. Thực tế này cho thấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò quan trọng, là mũi nhọn đột phát trong thời kỳ đổi mới của tỉnh ta. Nhất là trong giai đoạn còn nhiều khó khăn đối với các lĩnh vực khác như hiện nay, nông nghiệp được ghi nhận là giá đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Minh chứng sống động nhất là trong năm 2013, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không bị tác động bởi suy thoái kinh tế nên vẫn phát triển ổn định và có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm qua đạt 12.633 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với năm 2010, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2005.

 

Cụ thể, trong trồng trọt, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 72 nghìn ha lúa, gần 19 nghìn ha ngô, sản lượng đạt trên 440 nghìn tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân. Đối với cây chè - cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh, diện tích đã đạt gần 19 nghìn ha (trồng mới, trồng lại được 1.500ha), năng suất đạt 110,4 tạ/ha/năm, cao nhất cả nước

 

Trong chăn nuôi, đã phát triển mạnh theo hướng trang trại sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh khi trên địa bàn tỉnh có tới 600 trang trại chăn nuôi. Cùng với đó là duy trì đàn trâu, bò ổn định với trên 100 nghìn con; đàn lợn 550 nghìn con; đàn gia cầm xấp xỉ 9,7 triệu con; sản lượng thịt hơi đạt 91 nghìn tấn, tăng 9,5% so với năm 2012. Về lĩnh vực lâm nghiệp, đã tập trung trồng được hơn 6,5 nghìn ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất được gần 5,8 nghìn ha. Riêng lĩnh vực thủy sản, ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho rằng: Thủy sản đã được nông dân quan tâm phát triển nhiều hơn khi diện tích nuôi trồng trong năm 2013 là trên 4,8 nghìn ha, tăng 40ha so với năm trước, sản lượng thủy sản đạt 6,9 nghìn tấn. Sản xuất giống thủy sản cũng đạt kết quả tốt với 400 triệu con cá bột, 50 triệu con cá giống các loại…

 

Vì sao phải tái cơ cấu ngành Nông nghiệp?

 

Tuy nhiên cùng với thành quả nổi bật đó, đời sống của người nông dân - chủ thể của nông nghiệp - vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì thu nhập bấp bênh, chất lượng sống của nông hộ trong tỉnh vẫn còn thấp… Một vấn đề cần đề cập nữa là những năm qua, Thái Nguyên đã đầu tư cho phát triển ngành Nông nghiệp nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Giá trị trên 1ha đất canh tác của tỉnh đạt được chưa cao, thậm chí có năm không tăng. Năm 2010, giá trị thu được trên 1ha đất canh tác là 55 triệu đồng; năm 2011 và 2012 là 68 triệu đồng; năm 2013 là 72 triệu đồng. Sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao do nông dân trong tỉnh sản xuất ra chưa nhiều. Ngoại trừ sản phẩm chè của Thái Nguyên đã xuất khẩu ra thị trường một số nước trên thế giới, được bán rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước thì phần lớn, sản phẩm nông nghiệp từ rau, củ, quả, gạo, gia súc, gia cầm do nông dân sản xuất ra vẫn mang hình thức tự cung, tự cấp là chính (chỉ phục vụ bán ở địa phương). Chị Lê Thị Ngọ, xóm Làng Đông, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho hay: Vùng trồng rau chuyên cạnh của chúng tôi chủ yếu cung cấp sản phẩm cho thị trường T.P Thái Nguyên chứ chưa xuất bán được cho các tỉnh khác hoặc xuất khẩu.

 

Một thực tế nữa là, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chỉ tăng về lượng chứ chưa tăng về chất, do đó sức cạnh tranh trên thị trường, trong khu vực chưa cao. Đơn cử như với cây chè, năm 2013 đạt sản lượng trên 191 nghìn tấn, nhưng giá bán bình quân lại không tăng nhiều so với mọi năm. Đặc biệt, chè xuất khẩu sang thị trường Trung Đông chỉ bán được với giá khoảng 3 USD/kg; giá bán buôn nội tiêu trong nước cũng vẫn ở mức từ 120 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg, bằng hoặc chỉ tăng từ 5-10 nghìn đồng/kg so với năm 2012 nên hiệu quả kinh tế thu được chưa cao.

 

Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nông nghiệp những năm qua còn dàn trải, chưa tập trung vào nâng nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chưa quan tâm đầu tư chính sách cho lĩnh vực thu gom, chế biến tiêu thụ sản phẩm; chưa chú ý đến tổ chức hình thức sản xuất nông nghiệp sao cho hiệu quả (tổ hợp tác, hợp tác xã)… Ông Nguyễn Văn Học, một người dân ở xóm Tân Thành, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) nhận định: Hiện nay, việc thành lập các HTX sản xuất nông nghiệp (sản xuất rau xanh; trồng hoa; chăn nuôi…) trong xã nói riêng và trong tỉnh nói chung chưa được chú ý đến. Hơn nữa, nếu được thành lập, HTX phải phát huy hết vai trò của mình trong việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều HTX đã được thành lập nhưng chưa làm được điều này.

 

Trước những khó khăn như vậy, đòi hỏi Thái Nguyên phải tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhưng làm gì để tái cơ cấu nông nghiệp lại không phải là chuyện giản đơn bởi muốn đạt mục tiêu đề ra, việc cần làm là tái cơ cấu sao cho nông sản trong tỉnh có thể xuất khẩu và xuất khẩu với giá thành cao, xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh; tránh tình trạng giá nông sản bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nông nghiệp; làm sao để tăng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm tới việc quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng để phát huy lợi ích trước mắt và lâu dài...

 

(Còn nữa)

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: