Tân Long phát triển cây trồng thế mạnh
Sản phẩm chè của người dân ở bản Mỏ Ba, xã Tân Long được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong ảnh Gia đình anh Dương Văn Tư, xóm Mỏ Ba thu hái chè. |
Cây chè, cây keo đang là 2 cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở xã đặc biệt khó khăn Tân Long (Đồng Hỷ). Thu nhập từ 2 loại cây trồng này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đời sống ngày một nâng lên...
Gia đình anh Dương Văn Tư, bản Mỏ Ba là một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây chè của xã Tân Long. Với diện tích trên 1 ha đất đồi rừng trước kia vợ chồng anh chăm chỉ trồng ngô, lúa và đi làm thuê mà vẫn không đủ ăn. Từ năm 2010, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh chăm chỉ phát đồi cỏ, chuyển đổi dần sang trồng chè. Bên cạnh mở rộng diện tích, gia đình anh cũng chịu khó tìm hiểu và nắm chắc được kỹ thuật chăm bón chè an toàn, sao chè đúng cách, nên sản xuất được sản phẩm chè chất lượng cao. Do đó, tuy đường lên bản Mỏ Ba rất khó đi, nhưng đến nay bạn hàng của gia đình đều lên tận nơi để mua với mức giá trung bình 140 nghìn đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 2,4 tấn chè búp khô, đem lại doanh thu trên 300 triệu đồng. Từ sản xuất chè, anh đã dựng được ngôi nhà sàn trị giá trên 300 triệu đồng thay thế ngôi nhà đất cũ và lo cho các con đi học nội trú.
Gia đình anh Tư là một trong trên 1 nghìn hộ dân (chiếm 80% số hộ của xã) ở xã Tân Long đã tham gia trồng chè. Cùng với những đồi chè xanh mướt đã và đang được mở rộng ở xã Tân Long người dân nơi đây cũng chú trọng trồng rừng, chủ yếu là cây keo để phát triển kinh tế. Hiện xã có khoảng 70% số hộ tham gia trồng rừng với diện tích gần 1 nghìn ha rừng sản xuất. Mỗi năm doanh thu từ rừng đạt khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình phát triển kinh tế từ rừng, tiêu biểu như anh: Hoàng Văn Chí, xóm Làng Mới; Vũ Văn Khải, xóm Làng Giếng; Nguyễn Văn Hiệp, xóm Đồng Mây…
Từ hiệu quả thực tế như trên, tư duy người dân trên địa bàn đã thay đổi, bà con đã chú trọng trồng mới và chăm sóc rừng trồng như những cây màu khác. Ngoài phát triển kinh tế từ trồng rừng, một số người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc để sơ chế gỗ rừng thành ván bóc, từ đó đem lại lợi nhuận cao và tiêu thụ lượng gỗ rừng tại chỗ đồng thời giải quyết việc làm cho người dân.
Cơ sở sản xuất ván bóc của gia đình anh Tạ Văn Triển, xóm Làng Mới là một ví dụ như vậy. Năm 2013 anh đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua hệ thống máy móc, gồm: máy cắt gỗ, máy bóc gỗ, máy bóc lồng, máy mài... để sơ chế gỗ rừng thành ván bóc. Anh cho biết: Nguyên liệu của cơ sở anh chủ yếu là gỗ keo và mỡ mua của người dân trên địa bàn. Sản phẩm ván bóc đầu ra được xuất bán ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trung bình, mỗi tháng cơ sở cần khoảng 1 nghìn m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất được trên 300 khối ván bóc thành phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn hàng. Từ đó đem loại doanh thu khoảng gần 700 triệu đồng. Cơ sở của anh giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động kỹ thuật và 10 lao động thời vụ với mức lương bình quân là 4,5 triệu đồng/tháng.
Nói về hướng phát triển kinh tế của địa phương, Ông Lăng Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Tân Long là xã đặc biệt khó khăn. Xã có trên 1,3 nghìn hộ dân với 6,2 nghìn nhân khẩu, 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ làm nông nghiệp chiếm trên 95%. Do địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi nên việc đi lại, sinh hoạt và lưu thông hàng hóa để phát triển kinh tế của người dân trong xã gặp nhiều trở ngại. 5 năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, bên cạnh khuyến khích trồng cây ngô, lúa chúng tôi chú trọng tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất đồi cho thu nhập thấp sang trồng rừng và chè. Từ đó, vận động bà con đã chuyển đổi cây trồng và phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Về phát triển trồng rừng, xã đẩy mạnh công tác khuyến lâm để hướng dẫn bà con. Đồng thời lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân trồng và đầu tư chăm sóc rừng. Vì vậy diện tích rừng trồng mới mỗi năm đạt khoảng 100 ha, nâng diện tích rừng sản xuất đạt gần 1 nghìn ha. Đến nay, diện tích này đã cho thu nhập ổn định theo chu kỳ sinh trưởng của cây rừng, mỗi năm người dân của xã khai thác được khoảng 100 ha. Bên cạnh trồng rừng, chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào phát triển cây chè trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Được nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây chè, đến nay gần 70% số hộ dân trong xã đã bắt đầu trồng chè. Hiện, diện tích chè toàn xã đạt trên 140 ha, mỗi năm sản xuất được trên gần 40 tấn chè búp khô. Với mức giá trung bình 100 nghìn đồng/kg, doanh thu hàng năm của người dân làm chè trong xã đạt trên 4 tỷ đồng. Có thể nói trồng chè và trồng rừng đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây, đưa mức độ tăng trưởng bình quân của xã tăng 10% mỗi năm, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2013, xã đã giảm thêm được 154 hộ nghèo (tương được giảm 7%), tỷ lệ hộ nghèo còn 28,7%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây keo, cây chè, trong đó, sẽ xây dựng một vùng chè đặc sản để khuyến khích người dân nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Từ đó, tiếp tục giúp người dân giảm nghèo bền vững.