Tăng trưởng dư nợ cho vay: Những tín hiệu lạc quan

Cập nhật: Thứ năm 22/06/2017 - 08:02
 Trên 90% nguồn vốn vay từ ngân hàng trên địa bàn tỉnh được “đổ” vào sản xuất, kinh doanh phần nào cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư trước sự phục hồi của nền kinh tế.
Trên 90% nguồn vốn vay từ ngân hàng trên địa bàn tỉnh được “đổ” vào sản xuất, kinh doanh phần nào cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư trước sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong khi vào thời điểm này của nhiều năm trước, không ít chi nhánh ngân hàng phải gồng mình để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng được giao, thì năm nay, có những ngân hàng đã đi quá được 2/3, thậm chí là ¾ quãng đường. Kết quả này phần nào cho thấy những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng…

Có thể nói, thời gian qua, với hàng loạt cơ chế, chính sách của Chính phủ đưa ra đã giúp hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng dần hồi phục và lấy lại được đà tăng trưởng. Cùng với đó, với nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư của tỉnh, chúng ta đã và đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính điều này đã góp phần giúp thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, khi mà đã có hàng trăm nghìn việc làm mới được tạo ra và chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, thu ngân sách toàn tỉnh đã đạt 5.535 tỷ đồng, bằng 61,4% dự toán được giao và dự kiến cả năm, sẽ đạt trên dưới 13 nghìn tỷ đồng… Theo đại diện lãnh đạo nhiều chi nhánh ngân hàng thì những chuyển biến trên đã tác động không nhỏ, thậm chí là trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, với những con số tăng trưởng được cho là rất khả quan.

 

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, 5 tháng đầu năm, đã có 1.924 tỷ đồng được cho vay thêm so với cuối năm 2016, nâng tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 5 trên toàn tỉnh lên 41.355 tỷ đồng (tăng 4,9%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 2,52%). Chỉ tính riêng 4 chi nhánh ngân hàng lớn, gồm: TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên; BIDV Nam Thái Nguyên; Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngoại Thương thì số dư nợ tăng thêm trong 5 tháng qua đã là 2.353 tỷ đồng. Sở dĩ số cho vay mới của 4 chi nhánh lớn hơn con số cho vay mới của cả hệ thống là bởi một số ngân hàng không những không tăng được tín dụng mà còn bị sụt giảm đáng kể so với cuối năm 2016, với con số hàng trăm tỷ đồng/ngân hàng, thậm chí có chi nhánh còn giảm tới gần 900 tỷ đồng (bằng 2/3 tổng nguồn vốn cho vay). Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh thì sự sụt giảm tín dụng ở một số ngân hàng chỉ mang tính thời điểm, bởi trên thực tế, ở không ít ngân hàng, chỉ cần một vài khách hàng lớn sau khi thu hồi được nợ rồi trả một phần hoặc toàn bộ số vay cho ngân hàng cũng đã đủ để ảnh hưởng trực tiếp đến con số tăng, giảm của ngân hàng đó. Còn về cơ bản, các ngân hàng đều có chỉ số tăng trưởng tốt và điều đáng nói là sự tăng trưởng này tăng đều qua từng tháng, chứ không phải là tăng cao ở một hai thời điểm. Những tháng còn lại của năm được dự báo sẽ tăng nhanh hơn và khả năng hoàn thành thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% là hoàn toàn có thể, thậm chí là cao hơn nếu được sự cho phép của NHNN.

 

Có chung nhận định với Giám đốc NHNN tỉnh, theo đại diện nhiều Ngân hàng TMCP lớn trên địa bàn thì với tốc độ cho vay những tháng đầu năm thì nhiều khả năng chỉ đến đầu quý IV, thậm chí có ngân hàng chỉ đến khoảng tháng 7-8 là đã có thể hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm. Chính vì vậy, một số ngân hàng đang có kế hoạch cơ cấu lại dư nợ cho vay, sàng lọc lại khách hàng để có nền khách hàng tốt hơn.

 

Ông Trần Thùy Dương, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Thái Nguyên cho biết: Do mới thành lập nên năm 2017, Chi nhánh được Hội sở chính giao tăng trưởng tín dụng 40%. Đến hết tháng 5, Chi nhánh đã tăng được 25%. Với tốc độ tăng này, Chi nhánh đang bị Hội sở hạn chế đối với một số khoản cho vay lớn để đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý trong toàn hệ thống Vietcombank. Chi nhánh sẽ sàng lọc để loại dần những khách hàng không đáp ứng được các yêu cầu mới, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, để có được nền khách hàng tốt hơn. Cũng theo ông Dương, có được sự tăng trưởng đáng phấn khởi này là nhờ niềm tin của xã hội và dân chúng vào thị trường đã tốt lên. Các DN và người dân yên tâm hơn khi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Qua thẩm định và kiểm soát đồng vốn, chúng tôi nhận thấy, hơn 90% đồng vốn cho vay của ngân hàng tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Chỉ rất ít đầu tư vào bất động sản nhưng với mục đích mua nhà để ở hoặc sửa chữa nhà, chứ không mang tính chất đầu cơ bất động sản (mua đi bán lại). Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường, vào các quyết sách của Chính phủ cũng như của tỉnh trong thời gian qua đã được tăng lên đáng kể.

 

Đồng tình quan điểm này, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cũng cho rằng trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chắc chắn sẽ tốt hơn theo xu thế phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động của các DN có quan hệ tín dụng với Chi nhánh, ông Quý cho rằng, mặc dù bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc, song chưa đồng đều giữa các thành phần DN. Trong khi các DN FDI được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực hơn, thì các DN nội, kể cả những DN lớn vẫn gặp không ít khó khăn do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi chưa tạo ra được nhiều sản phẩm đặc thù, công nghệ sản xuất lại lạc hậu… Còn đối với ngân hàng, khó khăn lớn nhất vẫn tiếp tục phải đối mặt chính là vấn đề xử lý nợ xấu, nhất là của các DN nhà nước. Dù vậy, xu thế phát triển vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng tốt lên. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện tốt hơn để tăng trưởng các chỉ tiêu kế hoạch cũng như có cơ hội lựa chọn, củng cố lại nền khách hàng và chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo đúng định hướng.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: