Tháo gỡ “nút thắt” đầu ra cho rau an toàn: Người sản xuất và người tiêu dùng chưa "gặp nhau" (Kỳ 1)

Cập nhật: Thứ ba 04/04/2017 - 11:10
 Trung bình mỗi năm, HTX rau an toàn Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn rau, củ, quả các loại.
Trung bình mỗi năm, HTX rau an toàn Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn rau, củ, quả các loại.

Sản xuất đại trà theo mùa vụ, chưa có sự định hướng về thị trường, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm... đó là những bất cập trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trước thực trạng này, Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự liên kết giữa người sản xuất, người buôn bán và doanh nghiệp tiêu thụ nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra lại chưa có chỗ đứng trên thị trường, khó tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa “gặp nhau”...

 

Chi phí sản xuất cao

 

Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau an toàn trên địa bàn tỉnh rất lớn, năm 2016, hơn 10 thành viên HTX rau an toàn Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) đã thống nhất cùng nhau góp vốn xây dựng nhà xưởng, khu sản xuất (với số vốn đầu tư ban đầu trên 3,6 tỷ đồng). Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Nạp, một thành viên HTX cho biết: Để bảo đảm có rau sạch, HTX đã đầu tư xây dựng nhà kính, nhà chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón riêng biệt; thay thế phân bón hóa học, thuốc BVTV bằng phân bón vi sinh, thuốc sinh học. Các loại rau được trồng chủ yếu gồm cải ngọt, cải ngồng, đỗ cô ve, súp lơ, bắp cải, hành... với giá bán trung bình từ 18.000 đến 35.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với giá rau bán ngoài chợ. Trung bình mỗi năm, HTX có thể cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn rau, củ, quả các loại. Vừa làm, chúng tôi vừa giới thiệu sản phẩm tại một số quán ăn trên địa bàn T.P Thái Nguyên và một số đơn vị thuộc Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đại Từ. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất rau sạch có chi phí cao hơn so với cách trồng rau thông thường nên giá bán cũng cao hơn, vì vậy việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

 

Còn ông Nguyễn Hữu Thành, thành viên HTX rau an toàn xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho hay: Trồng rau an toàn, người dân tuân thủ quy trình và thời gian cách ly trước khi thu hoạch sản phẩm bằng việc ghi rõ nhật ký chăm sóc; đầu tư nhà lưới, khoan giếng lấy nước tưới. Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có chi phí lớn hơn so với sản xuất theo phương thức thông thường, năng suất lại giảm, khiến giá thành sản phẩm tăng lên. Trong khi đó, sự khác biệt giữa rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với rau làm theo lối truyền thống rất khó nhận biết bằng mắt thường. Đây là trở ngại lớn nhất đối với người trồng rau an toàn chúng tôi.

 

Ngoài các đơn vị nói trên, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư sản xuất rau an toàn như: trang trại sản xuất nông nghiệp sạch của doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc (Đồng Hỷ), HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Bình Thuận (Đại Từ)... Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cao nên trong tổng số gần 13 nghìn ha rau các loại, toàn tỉnh hiện mới chỉ có trên 150ha rau an toàn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

 

Người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng

 


 

Ông Oh Do Yeun, Tổng giám đốc Công ty Ket Vina Hàn Quốc (Khu công nghiệp Điềm Thụy - Phú Bình): Do chưa kết nối được nguồn thực phẩm sạch nên mỗi ngày, Công ty phải nhập một khối lượng lớn rau, củ, quả từ Hàn Quốc đưa sang. Chúng tôi rất mong muốn được ký kết hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, có nguồn rau sạch, đáp nhu cầu của Công ty. Điều  này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tươi ngon phục vụ cán bộ, công nhân, người lao động mà còn giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho Công ty...

Hiện nay, có nhiều vùng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng chưa cao. Đa phần lượng sản phẩm này chỉ được tiêu thụ thông qua các thương lái rồi cung cấp ra thị trường tự do trong và ngoài tỉnh, giá cả cao hơn, trong khi chưa có sự khác biệt để thuyết phục, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các sản phẩm này cũng chưa được đóng gói và có bao bì, nhãn hiệu riêng để giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thông thường. Mặt khác, tại một số cửa hàng công bố là đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, vẫn tồn tại những sản phẩm không rõ nguồn gốc... Đây chính là nguyên nhân khiến sản phẩm rau an toàn khó tiêu thụ. 

 

Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng cũng chưa thật sự tin tưởng và yên tâm khi sử dụng rau an toàn là bởi tỉnh chưa thiết lập được hệ thống mạng lưới tiêu thụ đồng bộ, bao gồm các khâu như thu mua, đóng gói, bảo quản và phân phối rau trên thị trường. Quá trình chế biến còn tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản lạc hậu khiến tỷ lệ tổn thất cao. Ngoài ra, mặt hàng rau được bày bán chủ yếu ở các chợ nhưng tại những nơi này thường không có sự kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm lưu hành.

 

Ông Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Nguyên: Các loại rau của chúng tôi đều đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ các khâu sản xuất, sơ chế, vận chuyển, bảo quản đều bảo đảm an toàn, không có sự trà trộn rau ở bên ngoài. Do chi phí sản xuất cao nên giá thành cũng cao hơn giá thị trường. Chúng tôi rất muốn sản phẩm rau an toàn của Công ty được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và đón nhận...

Chị Nguyễn Thu Mai, ở tổ 4, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm hằng ngày của gia đình tôi. Mỗi ngày đi chợ, tôi thường chọn đồ tại các cửa hàng có đề biển an toàn, nhưng có hôm cả nhà tôi cũng bị đau bụng vì rau có tồn dư thuốc BVTV. Là người nội trợ trong gia đình, tôi cũng chỉ biết mua theo cảm tính, chứ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thì không biết đâu mà tin tưởng.

 

Và nghịch lý “thua trên sân nhà”

 

Qua khảo sát cho thấy, mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất hơn 210 nghìn tấn rau các loại. Tuy nhiên, số lượng rau an toàn được đưa vào các bếp ăn công nghiệp chỉ nhỏ giọt. Các bếp ăn công nghiệp đa phần phải nhập rau từ các tỉnh khác. Trong khi nhiều siêu thị, đơn vị phân phối thì phản ánh không có lượng hàng như mong muốn để đáp ứng các đơn hàng. Đại diện nhiều đơn vị muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị, bếp ăn của các doanh nghiệp nhưng lại rất khó tiếp cận. Ông Hoàng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Bình Thuận (Đại Từ) chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, tổ hợp tác của chúng tôi có thể cung cấp ra thị trường 30 tấn rau các loại. Trước đây, cũng có một số siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề với chúng tôi về vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, họ lại đặt ra yêu cầu là rau phải được sơ chế, đóng gói bao bì chia theo kg cẩn thận, mỗi ngày trong đơn hàng có đủ các loại rau khác nhau. Trong khi bà con chúng tôi ở đây chỉ quen sản xuất theo mùa vụ, mùa nào thức ấy nên không đáp ứng được yêu cầu.

 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 250 bếp ăn tập thể của các đơn vị doanh nghiệp, trường học, cung cấp bữa ăn cho gần 10 nghìn người/ngày. (chưa tính Công ty Điện tử Samsung và Công ty may TNG). Tổng số lượng nông sản tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể này là hơn 2 nghìn tấn rau ăn lá, 541 tấn củ, quả các loại. Nhu cầu về rau sạch phục vụ bếp ăn tập thể cho học sinh, công nhân là rất lớn. Chị Nguyễn Thị Phụng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mỗi ngày, Nhà trường có hơn 240 học sinh, giáo viên ăn bán trú tại trường. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận với doanh nghiệp sản xuất rau an toàn, có nguồn rau, quả, thực phẩm dồi dào để có nguồn cung đa dạng, lâu dài, ổn định.

 

Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ đầu mối như: Túc Duyên, Đồng Quang, chợ Thái... có đến 2/3 lượng rau đang được tiêu thụ hằng ngày được nhập từ các tỉnh khác về. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, việc kết nối giữa các đơn vị sản xuất rau an toàn và đơn vị tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu để sản phẩm có thể lưu thông theo chuỗi và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng...

 

(Còn nữa)

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: