Thôn Vũ Quý no ấm từ cây chè
Với 1,5 mẫu chè cành LDP1, gia đình bà Đặng Thị Tuất, thôn Vũ Quý, xã Sơn Phú (Định Hóa) thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. |
Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực đưa các giống chè giâm cành mới cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, nhiều hộ gia đình ở thôn Vũ Quý, xã Sơn Phú (Định Hóa) đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cây chè đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại cuộc sống no ấm, ổn định cho người dân nơi đây.
Thôn Vũ Quý được lập nên từ năm 1964 bởi những hộ dân di cư từ xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lên định cư, lập nghiệp theo tiếng gọi của Đảng. Từ 28 hộ gia đình ban đầu, đến nay, thôn đã có 52 hộ với trên 200 nhân khẩu. Nhớ lại quãng thời gian cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Ngô Văn Lãng (75 tuổi), một trong những người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này cho biết: Khi chúng tôi mới lên đây, toàn bộ khu vực này là rừng núi rậm rạp, cây cối chằng chịt không có đường đi. Để sinh sống, chúng tôi phải đốt rừng, phát rẫy trồng ngô, trồng lúa nhưng thiếu nước sản xuất nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn bảo nhau kiên trì bám trụ mảnh đất này với hy vọng sẽ tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Đến khoảng những năm 1970, khi cuộc sống dần ổn định, một số hộ dân đã lặn lội xuống tận Nông trường chè Phú Hộ (Phú Thọ) để lấy giống chè về trồng nhằm mở hướng thoát nghèo. Trời không phụ lòng người, cây chè sau khi đem về trồng đã phát triển rất tốt, mang hương vị đậm đà đặc trưng của mảnh đất này. Thế rồi, người dân bảo nhau trồng đại trà và chỉ sau vài năm, những quả đồi trọc đã được phủ kín một màu xanh của cây chè. Tuy nhiên, cây chè lúc bấy giờ chủ yếu là giống chè trung du cho năng suất và giá trị kinh tế thấp. Cuộc sống của người dân trồng chè ở thôn Vũ Quý chỉ thực sự thay đổi từ những năm 2000 trở lại đây khi người dân mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích chè trung du sang trồng các giống chè cành cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân, Kim Tuyên, Thúy Ngọc…
Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè bát úp non xanh mơn mởn, ông Vũ Văn Quảng, Trưởng thôn Vũ Quý cho biết: Thôn hiện có 50/52 hộ trồng chè với tổng diện tích khoảng 15ha, 100% diện tích đều là các giống chè cành chất lượng cao. Nếu như trước đây, người trồng chè quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn thì nay cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Hầu hết các hộ trồng chè trong thôn đều đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học đàng hoàng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn theo chuẩn mới chỉ còn 9%, giảm gần 30% so với năm 2010; thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng chè cành ở thôn Vũ Quý. Hiện nay, gia đình ông có 1,5 mẫu chè cành LDP1 cho thu hoạch hơn 150kg chè khô/lứa. Ông Dũng chia sẻ: Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ cây chè. Nhờ đó mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo và nuôi 2 con học đại học. Gia đình ông Nguyễn Thế Hưởng cũng là một trong những hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây chè. Từ một gia đình kinh tế khó khăn nay gia đình ông đã vươn lên có cuộc sống khá giả với một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ông Hưởng cho biết: “Mỗi lứa gia đình tôi thu hoạch được khoảng 250kg chè búp khô. Với giá bán hiện nay 150-200 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Những năm gần đây, cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè, người dân thôn Vũ Quý còn tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các lớp tập huấn trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, năng suất, chất lượng chè ngày càng được nâng lên. Trung bình mỗi năm, người dân trong thôn sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chè búp khô các loại. Tuy nhiên, sản phẩm chè của của người dân sản xuất ra đến đâu đều được thương lái từ khắp nơi tìm đến thu mua hết đến đó.
Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế từ cây chè, UBND tỉnh đã quyết định công nhận thôn Vũ Quý là làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Hy vọng rằng, đây sẽ là đòn bẩy để từng bước xây dựng thương hiệu chè Vũ Quý nhằm nâng cao hơn giá trị kinh tế của cây chè, đáp ứng mong mỏi từ nhiều năm nay của người dân nơi đây.