Thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: Thứ tư 19/10/2022 - 08:05
 Trên địa bàn TP. Thái Nguyên có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua sắm. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Aloha mall (phường Đồng Bẩm). Ảnh: Lăng Khoa
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua sắm. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Aloha mall (phường Đồng Bẩm). Ảnh: Lăng Khoa

Đối với một đô thị, thương mại, dịch vụ (TM-DV) luôn là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi lợi thế về dân cư đông đúc và điều kiện giao thông thuận lợi. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn này.

Sinh sống ở khu vực trung tâm của thành phố nên mọi hoạt động mua sắm phục vụ cuộc sống hàng ngày gia đình chị Lưu Thị Lan Hương (ở phường Hoàng Văn Thụ) đều rất thuận lợi. Do không có nhiều thời gian đi chợ thường xuyên nên vào dịp cuối tuần, gia đình chị Hương thường vào đến siêu thị mua sắm.

Chị Hương chia sẻ: Tôi thường mua đồ ăn và các đồ dùng ở siêu thị Lan Chi và siêu thị Minh Cầu vì gần nhà. Nguồn hàng hóa ở các siêu thị này rất phong phú, gia đình tôi không cần phải đi nhiều nơi nên tiết kiệm được thời gian mua sắm. Hơn nữa, tại các siêu thị, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng nên tôi rất yên tâm.

Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có 4 trung tâm thương mại, 20 siêu thị, 30 chợ và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Việc xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị… không chỉ thuận lợi cho việc mua sắm phục vụ đời sống của người dân mà còn có đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy ngành TM-DV trên địa bàn phát triển. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn TP. Thái Nguyên đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với những đóng góp tích cực của ngành TM-DV, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, từ việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký đầu tư đến công tác hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án trong lĩnh vực này...

Từ đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị lớn đã mạnh dạn đầu tư các dự án TM-DV trên địa bàn, như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Việt Nhật, với Dự án Trung tâm phân phối và dịch vụ bảo trì xe ô tô Honda Việt Nam (ở phường Tân Lập), số vốn đầu tư 200 tỷ đồng; Công ty CP thương mại Thái Hưng, với Dự án khu tổ hợp Thương mại dịch vụ trường học và nhà ở Gia Sàng, vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng;…

Một trong số các dự án TM-DV có quy mô lớn đầu tư vào địa bàn TP. Thái Nguyên phải kể đến Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! (tại phường Tân Lập), có diện tích 36.000m2, tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thương mại Vincom Plaza Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng… Một số siêu thị có quy mô  trên địa bàn phải kể đến, như: siêu thị Lan Chi, diện tích 2.700m2, nằm trên đường Bắc Kạn (Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Lan Chi), siêu thị Aloha Mall, diện tích 5.300m2, ở phường Đồng Bẩm (Công ty TNHH Thái Hưng)…

Không chỉ quan tâm đến số lượng dự án, nhằm nâng cao chất lượng TM-DV, TP. Thái Nguyên đã tập trung phát triển mạnh các khu vực dịch vụ, nhất là những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng,… Với gần 200 cơ sở lưu trú, trên 120 nhà hàng, khách sạn… mảng dịch vụ này đã đóng góp không nhỏ vào doanh thu trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch trên địa bàn thành phố tăng bình quân 20%/năm.

Để tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của TM-DV, trong những năm tới, TP. Thái Nguyên sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển TM-DV; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, thành phố tập trung nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa lợi thế, nhất là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng…

Chung An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: