Tiếp sức cho hội viên vươn lên
Thông qua sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân hiệu quả, nhiều gia đình làm tương truyền thống ở xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã hợp tác, liên kết cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. |
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ) tỉnh đã có 145 mô hình kinh tế VAC và 80 tổ hợp tác được hình thành, phát triển. Nhờ Quỹ được giải ngân đến hội viên (HV) đúng lúc nên việc sử dụng vốn của HV hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng để Hội Nông dân xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể tại nông thôn.
Chuyện Quỹ, ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban điều hành Quỹ tâm đắc: Tổ chức Hội được nâng cao vai trò, vị thế, uy tín; HV được tiếp sức, có thêm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, Quỹ còn như chất xúc tác, khuyến khích nông dân tham gia tổ chức Hội. Ví như năm 2021 toàn Hội đã kết nạp mới gần 3.800 HV, nâng tổng số HV toàn tỉnh lên gần 165.000 người, đạt hơn 121% kế hoạch năm.
Đến trung tuần tháng 3-2022, nguồn vốn Quỹ các cấp trong tỉnh còn dư nợ cho vay hơn 43,7 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương Hội ủy thác gần 13,5 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh hơn 21,3 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện gần 9 tỷ đồng, với tổng số gần 1.100 HV vay để thực hiện 106 dự án phát triển kinh tế. Trong đó, 316 HV vay từ nguồn ủy thác Trung ương Hội với dư nợ gần 14,5 tỷ đồng; gần 500 HV vay từ nguồn cấp tỉnh với dư nợ hơn 21,3 tỷ đồng; gần 270 HV vay từ nguồn cấp huyện với dư nợ gần 9 tỷ đồng.
Hầu hết các gia đình HV tham gia vay vốn từ Quỹ đều “ăn nên, làm ra”. Ông Nguyễn Văn Sự, xóm Đồng Hòa, xã Nga My (Phú Bình), là một minh chứng. Ông chia sẻ: Tôi sở hữu hơn 6.000m2 đất vườn, nhưng cơ bản là để đó. Năm 2016, tôi được Quỹ cho vay 30 triệu đồng, thêm tiền tích lũy của gia đình, tôi trồng được gần 500 cây ăn quả gồm các loại: Bưởi, ổi, nhãn, na, táo. Từ 3 năm gần đây, vườn cây ăn quả cho gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Nhiều mô hình kinh tế của Hội thành công nhờ Ban Điều hành Quỹ các cấp giải ngân kịp thời. Điển hình như mô hình chăn nuôi ngựa bạch ở xã Dương Thành; nuôi chim bồ câu ở xã Thanh Ninh; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Thượng Đình và mô hình làm tương ở xã Úc Kỳ. Mô hình không chỉ mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình HV mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của HV từ cá thể sang sản xuất hàng hóa tập trung.
Cán bộ, hội viên Hội Nông dân T.P Thái Nguyên trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tại HTX ổi Linh Nham, xã Linh Sơn.
Để phù hợp với thực tế sản xuất, Ban Điều hành Quỹ các cấp thực hiện nâng mức cho vay từ 100 đến 200 triệu đồng/dự án lên từ 300 đến 500 triệu đồng/dự án. Đồng thời chuyển từ cách cho vay theo hộ sang cho vay theo dự án nhóm hộ. Trên nguyên tắc các nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất hàng hóa gắn với mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp.
Ví như 12 gia đình HV ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được vay với tổng vốn 600 triệu đồng để cùng thực hiện Dự án “Trồng, chăm sóc và chế biến chè chất lượng cao”. Các gia đình HV đã trồng thay thế gần 15.000m2 chè già cỗi bằng chè cành giống mới.
Bà Nguyễn Thúy Hồng, gia đình HV tham gia Dự án, phấn chấn: Gia đình tôi trồng thay thế hơn 2.000m2 chè. Từ năm 2021 (sau 4 năm trồng lại), bãi chè của gia đình bắt đầu cho năng suất ổn định ở mức 25kg/sào, tăng 10kg/sào. Giá chè cũng tăng từ 150.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg.
Qua kiểm tra, kiểm soát của Ban Điều hành Quỹ các cấp, 100% gia đình HV tham gia vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho chúng tôi biết tin vui: Nhiều năm liên tục, Quỹ đồng hành với HV. Quỹ kịp thời tiếp sức cho gia đình HV vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, Quỹ Dự phòng rủi ro được Hội trích lập với tổng vốn gần 1 tỷ đồng, nhưng đến tháng 3 này vẫn chưa phải sử dụng đến. Vì một lý do rất đơn giản: Toàn Hội không có gia đình HV nợ quá hạn, hoặc bị thâm hụt vốn vay.