Tiếp sức để hợp tác xã phát triển

Cập nhật: Thứ sáu 23/09/2022 - 07:13
 Thành viên các HTX thực hành kỹ năng livestream bán hàng trong một chương trình do Liên minh HTX tỉnh tổ chức tại xã La Hiên (Võ Nhai).
Thành viên các HTX thực hành kỹ năng livestream bán hàng trong một chương trình do Liên minh HTX tỉnh tổ chức tại xã La Hiên (Võ Nhai).

Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ vốn vay ưu đãi… là các hoạt động được Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh liên tục triển khai trong thời gian qua. Từ đó, tạo đà cho khối kinh tế tập thể (KTTT) của Thái Nguyên ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thành lập từ tháng 7-2019, thời gian đầu hoạt động, các thành viên của HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương (Phú Lương) gặp nhiều khó khăn trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Dù chất lượng gạo của HTX được đánh giá cao nhưng các thành viên và người dân chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Thương lái mua bao nhiêu thì bán được từng đó. Do vậy, có những thời điểm, lượng gạo tồn kho của HTX rất lớn

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc HTX, vui vẻ: Đó đã là câu chuyện cũ. Thời gian gần đây, thương hiệu nếp Vải Ôn Lương đã được nhiều người biết đến, chúng tôi sản xuất không đủ bán. Để có được kết quả này, HTX được Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người biết đến, tin tưởng đặt hàng với số lượng lớn.

Không riêng HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh luôn đồng hành cùng các HTX trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Sản xuất miến tại HTX dịch vụ sản xuất miến Việt Cường (Đồng Hỷ).

Đơn cử như trường hợp của HTX nông nghiệp Quế Linh, ở xã Bảo Linh (Định Hóa). Thành lập từ cuối năm 2021, HTX chuyên trồng cây gai xanh để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sợi dệt. Từ 7ha ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu lên đến gần 40ha và phấn đấu đạt 100ha vào cuối năm nay.

Ông Hà Việt Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp Quế Linh, chia sẻ: Để có được vùng nguyên liệu rộng lớn như hiện nay không phải dễ dàng. Bởi ban đầu, nhiều người dân còn e ngại, do đây là cây trồng mới, chưa có kinh nghiệm canh tác, rồi băn khoăn về đầu ra... Do đó, chúng tôi đã đề xuất với Liên minh HTX tỉnh và được hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con. Sau lớp tập huấn, được chứng kiến quy trình sản xuất cây gai xanh AP1, phổ biến về hiệu quả kinh tế cũng như được tư vấn, hỗ trợ từ phía đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm, bà con đã yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức HTX và bà con đi thực tế tại vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1 tại tỉnh Thanh Hóa. Việc được "mắt thấy, tai nghe" khiến người dân rất hứng thú. Hay như tháng 5 vừa qua, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (thuộc Liên minh HTX tỉnh) đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Quế Linh vay số vốn 500 triệu đồng để nhập phân bón, giống và máy tuốt vỏ gai cung cấp cho bà con.

Đến nay, cây gai đã phủ xanh nhiều diện tích đất đồi, soi bãi, đất thiếu nước… ở huyện Định Hóa. Ở địa phương có trên 80 hộ dân liên kết, sản xuất cây gai cho HTX, với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg vỏ gai. Tháng 10 tới đây, HTX nông nghiệp Quế Linh sẽ xuất lô hàng đầu tiên với 20 tấn vỏ gai khô cho Nhà máy sợi dệt An Phước. Ngoài cung cấp thân vỏ, Liên minh HTX tỉnh cũng đang hỗ trợ HTX liên kết với các đơn vị chuyên sản xuất bánh gai tại tỉnh Hải Dương để tiêu thụ lá gai. Qua đó, giúp gia tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác.

Không chỉ những đơn vị trên, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT… Tính riêng trong 7 tháng năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã ký kết hợp đồng cho vay vốn ưu đãi với gần 70 dự án, phương án của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng. Tính đến tháng 31/7/2022, dư nợ tín dụng của Quỹ là hơn 51 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều HTX đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại…

Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên giới thiệu các HTX tham gia triển lãm, hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh; thực hiện cung cấp thông tin, kết nối HTX với các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức cho trên 50 lượt HTX tham gia trưng bày, giới thiệu và kết nối cung cầu sản phẩm tại các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, TP. Hà Nội... Qua đây, các HTX có cơ hội giao lưu, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường.

Tính từ năm 2021 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi số, thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng online, chiến lược kinh doanh trên Facebook… Từ đó, giúp các HTX thay đổi phương thức kinh doanh. Điển hình như phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viettel hướng dẫn các HTX đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử: Alibaba, Postmart, Voso… với 334 gian hàng, sản lượng tiêu thụ là 50 tấn chè, 150 tấn miến và 20 tấn nông sản các loại; phối hợp với VNPT Thái Nguyên hỗ trợ sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nông sản với 15.000 tem…

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển KTTT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, với nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX. Từ nay đến cuối năm 2022, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu hỗ trợ phát triển thêm từ 50 HTX, tổ hợp tác trở lên, trong đó có ít nhất 15 HTX nông nghiệp…

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: