Tiết kiệm xăng dầu - Tiết kiệm cho tương lai
Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay thì việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là vấn đề hết sức thiết thực. |
Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, nguồn cung hữu hạn. Do vậy, việc sử dụng xăng, dầu tiết kiệm và hiệu quả với các chỉ tiêu cụ thể cần được quyết liệt triển khai. Việc chuyển đổi năng lượng thay thế, giảm dần tiêu dùng xăng, dầu chính là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm chi phí cho loại nhiên liệu đắt đỏ này.
Giá mặt hàng xăng vừa chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít từ chiều 11-3. Đây là mức cao kỷ lục của mặt hàng xăng trong 8 năm trở lại đây. Giá xăng tăng khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, vận tải tăng theo. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu dùng xăng, dầu của cả thế giới cũng như Việt Nam tăng cao thì tiết kiệm, chuyển đổi năng lượng thay thế chính là những giải pháp góp phần bảo đảm nguồn cung và giảm chi phí trong cuộc sống, giảm phụ thuộc vào loại nhiên liệu quá đắt đỏ.
Tiết kiệm xăng, dầu trong hoạt động kinh doanh
Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay thì việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là vấn đề hết sức thiết thực. Các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất.
Từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu. Cùng với các giải pháp tiết kiệm bằng kỹ thuật, giải pháp bắt buộc cần tuân thủ, một yêu cầu đặt ra đối với mỗi người là tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích nhu cầu đi lại phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng, dầu gắn với tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu và hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
"Trong khi giá xăng, dầu vẫn còn biến động, Bộ Công Thương đã và đang liên tục khuyến cáo người dân, DN hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ xăng, dầu", ông Đông lưu ý.
Một số giải pháp để tiết kiệm nhiên liệu xăng, dầu đang dần đi vào cuộc sống, như ngư dân, tàu đánh bắt cá hiện nay phần lớn đều chuyển đổi từ ánh sáng đèn sợi đốt sang ánh sáng đèn Led để câu mực hay đánh bắt cá nhằm tiết kiệm 6-7 lần chi phí năng lượng. Hay như giải pháp sử dụng pin năng lượng mặt trời trên nóc tàu cũng tiết kiệm dầu diesel hiệu quả.
Nâng cao nhận thức và tuyên truyền về tiết kiệm xăng, dầu
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), đối với các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm trong ngành xăng, dầu, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN tiết kiệm năng lượng trong sản xuất như: Xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng trong DN theo tiêu chuẩn ISO 50001, hỗ trợ các DN thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tăng cường giám sát, kiểm tra tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, yêu cầu các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng.
Để quản lý việc sử dụng tiêu hao nhiên liệu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BCT quy định tỷ lệ hao hụt xăng, dầu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
Theo đó, các định mức về tỷ lệ hao hụt tối đa đối với các mặt hàng xăng, dầu như xăng khoáng RON95, RON92, xăng sinh học E5, E10… trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu; pha chế; phân phối xăng, dầu tại thị trường trong nước; tiếp nhận bảo quản và vận chuyển xăng, dầu đều đã được quy định cụ thể để làm căn cứ cho các DN, đơn vị liên quan thực hiện.
Ngoài việc tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh xăng, dầu thì việc từng người, từng cơ quan, đơn vị, từng DN thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu chính là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, cân đối cung cầu và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Thực tế, trong một số cơ quan, đơn vị, DN bước đầu đã đề ra và tổ chức thực hiện việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị coi nhẹ việc tiết kiệm, buông lỏng quản lý sử dụng xăng, dầu. Việc sử dụng lãng phí xăng, dầu không chỉ gây lãng phí ngân sách, tăng giá thành sản phẩm, mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công tác được giao", đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho biết.
Mới đây nhất, Chương trình về tổng thế về thực hành chống lãng phí của Chính phủ năm 2022 cũng đã nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, tiến tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, Việt Nam mới tập trung đẩy mạnh tiết kiệm điện thông qua các chỉ tiêu tiết giảm cụ thể. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng xăng, dầu lên tới hơn 20 triệu m3/năm lại chưa có các đánh giá về mức độ tiêu hao, khả năng tiết kiệm nguồn nhiên liệu đắt đỏ, khan hiếm này.
Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.