Tình đồng chí làm nên sức mạnh
Các đồng chí CCB xã Tân Kim (Phú Bình) trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho gia cầm. |
Tháng Tư, về xã Tân Kim (Phú Bình), tôi tìm gặp những người của một thời quân ngũ, để được nghe những cựu chiến binh (CCB) kể chuyện về ký ức một thời chiến tranh, và chuyện làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Bùi Văn Giảng, Chủ tịch Hội CCB xã nói ngay: Nhiều lắm, 465 đồng chí, là những người luôn mạnh dạn trong lao động sản xuất, gương mẫu thực hiện các phong trào ở địa phương.
Bên ấm trà hôi hổi nóng, câu chuyện của các CCB dành cho tôi như được tiếp thêm nhiệt. Bao những ký ức của “một thời hoa đỏ ngày xưa” được các CCB tái hiện qua từng câu chuyện chân chất, mộc mạc mà có sức cuốn hút lạ kỳ. Dù đã nhiều lần nghe, hoặc đọc trên sách vở, song câu chuyện về những trận đánh ở đất trời Tây Bắc của cựu chiến sĩ Điện Biên; những đêm hành quân dưới làn pháo sáng, từng trận sốt rét rừng của CCB kháng chiến chống Mỹ, và chuyện của người lính tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tất cả như từng thước phim sống động, nhắc nhớ mỗi người vững trí, bền lòng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tân Kim cho biết: Trên mặt trận xóa, giảm nghèo tại địa phương, một lần nữa tình đồng chí, đồng đội keo sơn gắn bó đã làm nên sức mạnh của Hội, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa xã hội tại địa phương. Điển hình như Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội có 214 CCB tham gia hiến hơn 11.300m2 đất; 345 CCB tham gia ủng hộ hơn 316 triệu đồng. Trong 5 năm gần đây, CCB trong xã còn tham gia hàng nghìn ngày công lao động làm giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương và giúp nhau làm kinh tế. Có mặt ở đó, CCB Phạm Văn Mạnh, xóm Núi Chùa kể: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, song được các đồng chí mình (CCB) trực tiếp giúp đỡ bằng cách cho vay tiền vốn chăn nuôi lợn, gà; đồng thời được các đồng chí mình tạo cho việc làm có thu nhập ổn định. Đến nay gia đình tôi được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Mạnh là một trong 15 hộ CCB xã Tân Kim thoát nghèo trong giai đoạn 2012-2016. Hiện xã còn 12 hộ CCB nghèo đang được chi hội cơ sở giúp đỡ bằng cách tạo điều kiện giới thiệu tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và cho hội viên nghèo vay tiền chân quỹ phát triển sản xuất. Ông Trần Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Hải Minh cho biết: 34 hội viên CCB trong Chi hội đã đóng góp chân quỹ được 86,7 triệu đồng (2,55 triệu đồng/hội viên). Ông Giảng cho biết thêm: Không kém Chi hội Hải Minh, các chi hội Tân Thái, Đồng Chúc, La Đao và Chi hội xóm Châu đều có chân quỹ cao, hơn 1 triệu đồng/hội viên. Hiện, 17 chi hội cơ sở đều xây dựng được chân quỹ, với tổng vốn 240,5 triệu đồng. Toàn bộ tiền chân quỹ từ các chi hội được cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để mua nông cụ sản xuất, hoặc mua cây, con giống.
Không có gì lớn lao hơn tình đồng chí, đồng đội. Dù rằng ở cuộc sống đời thường, giữa các CCB không cùng độ tuổi, nhưng cùng chung chí hướng vươn lên trong lao động sản xuất, xóa giảm khó nghèo. Bởi lẽ ấy, giữa họ luôn có sự quan tâm, trăn trở, lo toan cho nhau. Như việc CCB Ngô Thế Tuấn, xóm Núi Chùa, từ mô hình chăn nuôi gà, lợn và làm may mặc của gia đình, ông đã tạo việc làm có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng cho hơn 20 con em CCB và người dân địa phương. Trừ chi phí đầu tư, lương nhân công, ông Tuấn còn có lãi gần 500 triệu đồng/năm.
CCB làm giàu đang trở thành một phong trào lớn ở xã Tân Kim. Nếu như năm 2012, xã có 24 mô hình kinh tế trang trại, gia trại CCB, thì đến tháng Tư năm 2017 này, số mô hình kinh tế trang trại, gia trại CCB đã tăng lên 54 mô hình, có mức lãi từ 100 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm. Và dù “bước chân” vào danh sách hộ giàu của địa phương, song giữa những CCB không phân biệt khoảng cách giàu - nghèo, luôn tôn trọng, giúp nhau cùng có một cuộc sống ổn định. CCB Tạ Thị Thái, xóm Bạch Thạch cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kinh tế, nên tôi hiểu tâm lý của người nghèo, luôn mặc cảm, tự ti. Tôi động viên họ: “Người ta làm được, mình làm được”. Có nhiều người sau khi được tôi tạo vốn đầu tư sản xuất, bày cho cách xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hoặc tham gia ở lĩnh vực kinh doanh đã có cuộc sống sung túc. Hiện gia đình tôi tham gia các dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mở cây xăng; chăn nuôi gà, lợn và mua bán xe máy, đạt lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Sang xóm Mỏm Thượng, tôi hỏi bác nông dân đang trên đường đi làm đồng: -Xóm có CCB nào làm kinh tế đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm? Người dân tôi hỏi đường đã bảo: - Nhiều đấy, ví dụ như nhà CCB Vũ Hữu Hổi.
Nhà ông Hổi nằm ở một góc đồi. Từ xa nhìn lại đã thấy một cơ ngơi bề thế. Ông Hổi bảo: Gia đình tôi nuôi 20 lợn nái. Nái đẻ bao nhiêu, chăm vỗ bấy nhiêu. Ngoài lợn, gia đình tôi nuôi thường xuyên 1.000 con gà/lứa. Lợn, gà cộng lại đạt thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Có của ăn, của để, hầu hết các CCB đều dành một khoản tiền nhất định để ủng hộ phong trào địa phương; giúp đỡ gia đình CCB và người nghèo. CCB Nguyễn Văn Quế, xóm Trạng Đài là một trong những điển hình ấy. Năm 2011, xóm vận động nhân dân đóng góp cùng Nhà nước làm đường bê tông, ngoài phần đóng góp chung, ông ủng hộ thêm 50 tấn xi măng. Từ năm 2012 đến hết năm 2016, ông ủng hộ cho xóm tổng cộng 80 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Được biết, toàn bộ số tiền ủng hộ đều do ông và gia đình cần kiệm, tích lũy được từ làm trang trại chăn nuôi và dịch vụ thức ăn chăn nuôi. Ông cho biết: Trang trại của gia đình tôi duy trì 100 lợn nái. Lợn nái đẻ bao nhiêu đều để nuôi. Thu nhập từ chăn nuôi và dịch vụ cộng lại được hơn 800 triệu đồng đã trừ chi phí.
Nhâm nhi chèn trà đậm vị nắng, gió của vùng đất xã Tân Kim, tôi thầm nhủ với lòng mình: Vùng đất xã Tân Kim đổi thay nhiều quá, bên đường làng nhà xây cao tầng đang dần thế chỗ nhà mái lá; những đồi cỏ guột nay là trang trại chăn nuôi gà, lợn hằng năm mang lại hàng chục tỷ đồng cho cư dân trong vùng. Tôi biết, làm nên sự đổi thay ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người từng một thời mang áo lính - Họ đang cùng tiên phong trên mặt trận làm giàu ở mảnh đất quê hương.