“Lỗ hổng” nhân lực ngành du lịch

Cập nhật: Thứ sáu 15/04/2022 - 15:34
 Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: ANH ÐÀO)
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: ANH ÐÀO)

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua là lần đầu tiên, nhiều địa điểm du lịch quá tải sau hai năm du lịch “đóng băng” vì dịch COVID-19. Ðây là tín hiệu cho thấy ngành kinh tế du lịch đang hồi phục mạnh mẽ. Ngành du lịch cùng các địa phương là trung tâm du lịch đang tăng tốc quảng bá, kích cầu du lịch trong nước và quốc tế, nhiều khả năng khách sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là khi nhu cầu du lịch của người dân bị kìm nén trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đối mặt với không ít khó khăn khi mở cửa trở lại. Dịch COVID-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch bị giải thể hay ngừng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp trong khối lữ hành và lưu trú.

Tại Hà Nội, trước thời điểm du lịch hoạt động trở lại đầu năm 2022, khoảng 90% doanh nghiệp trong khối lữ hành và lưu trú ngừng hoạt động, khiến nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch buộc phải chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác. Trong số này, có những nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Khi ngành du lịch mở cửa trở lại, trong hơn một tháng trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên cả nước đã tấp nập gọi trở lại lực lượng lao động cũ và tuyển dụng nhân sự mới. Song, nhiều “người cũ” đã ổn định với công việc mới và không quay lại.

Trong thời gian tới, khi lượng khách tăng lên, những bất cập trong lĩnh vực nhân sự sẽ bộc lộ rõ hơn, nhất là khi khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn bởi việc tiếp đón khách quốc tế đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn. Ngoài việc thành thạo ngoại ngữ, thái độ phục vụ, chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, đội ngũ lao động trong ngành du lịch, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách như đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân, nhân viên buồng, bar khách sạn… cần sự am hiểu nhất định về văn hóa, thói quen sinh hoạt… của các nhóm khách khác nhau, đến từ những quốc gia khác nhau nếu muốn đáp ứng tốt nhu cầu, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các vị khách.

Khi quá trình khôi phục hoạt động du lịch mới bắt đầu, các doanh nghiệp còn tương đối “rảnh rỗi”. Ðây là khoảng thời gian lý tưởng để tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng nhân lực. Tuy nhiên, do nguồn lực bị “vắt kiệt” sau hai năm du lịch đóng băng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch rất khó khăn trong việc đào tạo lại người lao động trong ngành. Do đó, chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần đẩy nhanh việc mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động làm du lịch.

Chất lượng điểm đến, chất lượng dịch vụ là những nhân tố chủ chốt để thu hút khách, giữ khách quay trở lại. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vốn được xem là mạnh về chất lượng điểm đến, nhưng yếu về tính chuyên nghiệp, thái độ phục vụ khách du lịch. Nói cách khác là yếu về trình độ nhân lực làm du lịch. Nay chất lượng nhân lực tiếp tục suy giảm, nếu việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng không được quan tâm kịp thời, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội trong thu hút khách du lịch, nhất là khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.


Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: