“Muốn giàu nuôi cá”

Cập nhật: Thứ bẩy 16/04/2022 - 08:22
 Nhân viên Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) chăm sóc đàn cá lăng thương phẩm.
Nhân viên Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) chăm sóc đàn cá lăng thương phẩm.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, tiết trời nắng ấm, nguồn nước dồi dào, là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân trong tỉnh tập trung thả lứa cá mới. Nhằm bảo đảm sản lượng thủy sản đạt mục tiêu đề ra, ngành chức năng đang tích cực hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi mới theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển bền vững.

Những ngày này, tại Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) luôn nhộn nhịp khách đến đặt mua cá giống. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Mạnh Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: Chuẩn bị cho vụ cá giống năm nay, chúng tôi đã tiến hành ương nuôi và cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu con cá giống các loại như: Trắm, trôi, mè, chép, rô phi…

Ngoài sản xuất cá giống, đơn vị cũng nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước hơn 26ha, gồm các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, trê ta, trắm đen, chép… Trước khi xuống giống, Xí nghiệp thực hiện cải tạo, vệ sinh hồ, đầm; chú trọng cải tạo hệ thống kênh cấp, thoát nước nhằm bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình nuôi. Do vậy, đàn cá nhanh lớn, không bị nhiễm bệnh. Trung bình 1 năm, Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc có khả năng cung ứng cho thị trường trên 100 tấn cá thịt các loại.

Đối với gia đình ông Đặng Xuân Chín, ở xóm Cao Chùa, xã Mỹ Yên (Đại Từ), việc cải tạo ao nuôi trước khi tiến hành thả cá cũng được chú trọng. Ông Chín chia sẻ: Với hơn 1.000m2 diện tích mặt nước, nhà tôi thường thả các loại cá như: Trắm, chép, rô phi… Đây là những loài cá dễ chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn đa dạng từ cây, cỏ trong vườn nhà, không mất nhiều chi phí chăm sóc. Theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, sau khi thu hoạch hết cá trong ao, tôi tiến hành gia cố bờ đầm, nạo bùn, vớt bèo, tháo cạn nước phơi khô và rắc vôi bột khử trùng, sau đó mới lấy nước vào thả lứa cá mới.  

Có thể thấy, việc chuẩn bị tốt các điều kiện ao, đầm, vùng nuôi, bảo đảm chất lượng con giống và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là cơ sở quan trọng để có vụ nuôi thủy sản thắng lợi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, với diện tích mặt nước hơn 6.000ha, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản đạt 508 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 5%, sản lượng thủy sản đạt 17.000 tấn (tăng hơn 820 tấn so với năm 2021).

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới. Đồng thời, chủ động căn cứ thời vụ, nhu cầu thực tiễn để sản xuất các loại giống thủy sản bảo đảm chất lượng cung ứng cho người nuôi.

Nhân viên Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cung cấp cá giống cho người dân.

Ngoài ra, các địa phương cũng khuyến khích người dân đầu tư tăng diện tích nuôi thâm canh bằng các giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, chép lai, trắm đen, rô phi và giảm dần các đối tượng truyền thống giá trị kinh tế thấp như cá trôi, cá mè... Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; áp dụng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường.

Đối với Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, những năm qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản hằng năm. Chỉ tính riêng năm 2022, từ nguồn ngân sách Nhà nước, Chi cục sẽ hỗ trợ phát triển mới 15 vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung, hỗ trợ 60% tiền mua cá giống chất lượng cao (tối đa không quá 80 triệu đồng/vùng); lấy mẫu phân tích và các nội dung liên quan đến việc quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản. Từ đó, khuyến cáo và hướng dẫn người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp xử lý môi trường ao, đầm và vùng nuôi để phòng, chống các đối tượng bệnh dịch trên con nuôi thủy sản. Cùng với đó, tăng cường quản lý chất lượng và an toàn vật tư các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, nhất là chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học, đặc biệt quan tâm kiểm tra kiểm soát việc lạm dụng chất cấm và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Về phía các hộ nuôi trồng thủy sản, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cũng cần chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tích cực đưa các giống mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao năng suất sản lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản xuất thủy sản mà ngành Nông nghiệp đề ra trong năm nay. 

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: