“Phá” lối mòn, tạo điểm nhấn
Hạng mục Cổng tam quan của Dự án Khu du lịch văn hoá - sinh Thái Đá Thiên (thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ) đang được xây dựng. |
Cùng với tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm văn hóa bản địa ngày càng hấp dẫn với nhiều người. Nắm bắt điều này, Thái Nguyên đang từng bước kết hợp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa - lịch sử với phát triển du lịch để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Một vài năm trở lại đây, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Với diện tích khoảng 70ha, nơi đây không chỉ bảo tồn nhà sàn, trang phục, đồ dùng của đồng bào dân tộc Tày, mà còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống đến nghi lễ tâm linh.
Du khách đến với Thái Hải sẽ cảm thấy thú vị khi được lắng nghe những điệu hát then, đàn tính bên bếp lửa hồng hay trải nghiệm nghi lễ cơm mới, lễ cầu phúc cầu an cho mùa màng bội thu; hoà mình với không gian trong lành và các sinh hoạt cộng đồng của người dân cùng làm nông nghiệp và thưởng thức món ăn ngon, dân dã, đậm đà hương vị của người Tày.
Anh Nguyễn Hoàng Giang (Hà Nội) chia sẻ: Tôi từng đến nhiều điểm du lịch cộng đồng nhưng ít có trải nghiệm nào thú vị như ở Thái Hải. Không gian yên bình, nét văn hoá độc đáo, món ăn ngon và nhất là sự cởi mở, thân thiện của người dân đã tạo nên sức hút đặc biệt.
Ở huyện Đồng Hỷ, một dự án du lịch sinh thái - văn hoá cũng đang được triển khai tại trấn Trại Cau. Với diện tích quy hoạch 55,6ha, Khu du lịch sinh thái - văn hóa Đá Thiên có tổng vốn đầu tư trên 784 tỷ đồng, dự kiến bao gồm các hạng mục: khu nhà điều hành; khu du lịch, ẩm thực; khu du lịch sinh thái - văn hóa bản địa; khu dịch vụ tâm linh; khu cây xanh bảo vệ cảnh quan, mặt nước…
Người dân tham quan, tìm hiểu các hiện vật lịch sử được trưng bày tại Không gian văn hoá trà Tân Cương.
Đại diện chủ đầu tư, ông Đỗ Khắc Thân thông tin: Đến nay, doanh nghiệp đã triển khai những hạng mục đầu tiên là cổng tam quan, khu dịch vụ bán hàng, nhà ga xe điện, tu bổ và tôn tạo đền ông Hoàng Bẩy. Chúng tôi kỳ vọng, khi Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa; tạo điểm nhấn kết nối với các danh thắng trên địa bàn tỉnh, như: Hồ Núi Cốc; đình, đền, chùa Cầu Muối; chùa Hang…
Thực tế, hoạt động du lịch tìm hiểu lịch sử kết hợp tham quan danh thắng và trải nghiệm văn hoá ngày càng được du khách quan tâm. Về nguồn ATK Định Hoá, bên cạnh tìm hiểu những dấu mốc lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khách thập phương có thể trải nghiệm nét văn hoá bản địa ở Làng du lịch cộng đồng Bản Quyên, xã Điểm Mặc; mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch tại xã Phú Đình hay mới đây nhất là khu giáo dục “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn” tại đỉnh đèo De. Đến với La Bằng (Đại Từ), du khách biết thêm về địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thái Nguyên, khám phá nhiều thắng cảnh đẹp ở sườn Đông Tam Đảo và có thể nghỉ ngơi, thưởng thức món ăn ngon tại La Bằng Homestay…
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Nhằm thúc đẩy ngành Du lịch, Thái Nguyên sẽ triển khai nhiều hoạt động, nhất là tạo điểm nhấn về du lịch văn hoá - lịch sử. Đáng chú ý là xây dựng các tour trải nghiệm văn hóa, tham quan di tích lịch sử cho khách trong nước và quốc tế. Trong năm 2022, tỉnh sẽ tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ tư; đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II; phát động Tuần Văn hoá du lịch Thái Nguyên… Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá và thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với tỉnh.