Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Cần thống nhất trong thực hiện

Cập nhật: Thứ năm 09/06/2022 - 15:47
 Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ giúp người lao động tiết kiệm một khoản chi phí sinh hoạt, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân thuê trọ tại tổ dân phố Liên Sơn, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên).
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ giúp người lao động tiết kiệm một khoản chi phí sinh hoạt, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân thuê trọ tại tổ dân phố Liên Sơn, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên).

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 được thực hiện theo Quyết định số 08/2022 của Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 08) có hiệu lực từ ngày 28/3/2022, song đến nay trên địa bàn TP. Phổ Yên mới chỉ có 2/30 doanh nghiệp (DN) hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Nguyên nhân là do trong quá triển khai thực hiện các DN chưa có sự thống nhất và gặp lúng túng.

Theo bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Phổ Yên: Sau khi Quyết định số 08 có hiệu lực, thành phố đã tập trung tuyên truyền để các DN và NLĐ hiểu rõ chủ trương, các quy định có liên quan, đồng thời đề nghị các DN rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Thành phố dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà cho khoảng 19.700 NLĐ với tổng số tiền trên 34,3 tỷ đồng. 

Tìm hiểu tại các DN, chúng tôi được biết đa số NLĐ và DN đã biết đến chính sách này. "Điểm nghẽn” là nhiều DN yêu cầu NLĐ bổ sung thêm thủ tục hành chính ngoài quy định. 

Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH tại Quyết định số 257/QĐ-LĐTBXH ngày 28/3/2022 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ thì NLĐ chỉ cần làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, có xác nhận của chủ nhà trọ và nộp cho DN tổng hợp. Vậy nhưng trên thực tế, nhiều DN lại yêu cầu NLĐ phải nộp thêm giấy xác nhận tạm trú. Trong khi đó, việc xin xác nhận tạm trú đối với công nhân không mấy khi thuận lợi. 

Theo chị N.T.H đang làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên: Công ty yêu cầu tôi phải nộp thêm giấy xác nhận cư trú trong hồ sơ. Trong khi cơ quan Công an lại làm việc vào giờ hành chính nên muốn xin được giấy xác nhận tôi phải xin nghỉ làm 1 buổi. Vì thấy thủ tục khá phức tạp nên tôi tính sẽ không đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà nữa. 

Tương tự, anh N.V.H, công nhân Công ty TNHH Trina Solar cũng phải nộp thêm giấy xác nhận tạm trú, thậm chí cả sổ hộ tạm trú cũ trước đây. Không chỉ khó khăn về xin giấy tạm trú, nhiều NLĐ cho biết việc xin xác nhận của chủ nhà trọ cũng gặp khó khăn do chủ nhà không có mặt tại địa phương hoặc giao lại cho người khác quản lý. Một số chủ nhà trọ xác nhận cho nhiều người lại có tâm lý e ngại nên gây khó khăn cho NLĐ.

Bên cạnh nguyên nhân trên, qua thực tiễn cho thấy nhiều đơn vị, DN còn đang lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Không ít DN thắc mắc: Theo Quyết định số 08 quy định NLĐ đang làm việc tại DN có thời gian ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022. Thế nhưng trong bản đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (mẫu số 01, dành cho NLĐ) lại ghi: “Trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ của tháng… và chưa nhận quá 3 tháng”. 

Vì quy định trên nên nhiều DN, NLĐ đang băn khoăn không biết được hỗ trợ tháng 2, 3, 4 hay tháng 4, 5, 6?. Bởi nếu tính mốc hỗ trợ từ tháng 2-2022, các DN sẽ tập trung tổng hợp số NLĐ thuê nhà trong 3 tháng 2, 3, 4. Tuy nhiên, nếu mốc thời gian hỗ trợ tính từ tháng 4-2022 thì NLĐ và DN làm từng tháng một đến hết tháng 6 sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, hiện nay, chính sách quy định NLĐ đang làm việc trong DN và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thuê nhà từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022 sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà từ 1-3 tháng. Vậy, đối với trường hợp NLĐ thuê nhà chưa đủ 1 tháng thì có được nhận hỗ trợ hay không, nếu có thì mức hỗ trợ tối đa là bao nhiêu tháng?  

Những khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, như nhiều DN chưa hiểu đúng quy định của chính sách; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện. 

Từ thực tế cho thấy chính sách này chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt, đối với TP. Phổ Yên có số lượng NLĐ khá lớn, trong khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là các DN phải hoàn tất việc nộp hồ sơ cho NLĐ. Do đó, để bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng để sót, trùng lặp và không đúng đối tượng, thiết nghĩ thành phố và các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh việc hoàn tất danh sách NLĐ đủ điều kiện được hưởng chính sách. 

Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: