Châu Võ Nhai sửa soạn cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám

Cập nhật: Thứ bẩy 25/08/2018 - 15:37

Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943, phong trào đấu tranh cách mạng cả nước ta phát triển sôi nổi, nhiều khu du kích ra đời. Công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa diễn ra khẩn trương, hào hùng, tin tưởng.

Tháng 2-1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Ủy ban Quân chính Bắc Kỳ lên kiểm tra các căn cứ Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang) thuộc chiến khu Hoàng Hoa Thám. Thời điểm đó, các vùng Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá có cao trào cách mạng tốt, các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh hăng hái hoạt động. Cứu quốc quân và tự vệ ra sức tập luyện quân sự. Trong một khu rừng kín đáo, hàng trăm quần chúng đã dự lễ kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1-5 do đoàn thể cách mạng tổ chức.

Lo ngại trước phong trào cách mạng ở châu Võ Nhai, thực dân Pháp và Tri châu Võ Nhai đã tìm nhiều thủ đoạn đối phó. Sở mật thám Pháp tung thêm nhân viên lên Võ Nhai, ra lệnh bắt buộc người dân nộp súng kíp lên quan châu, tập trung quân từ thị xã Thái Nguyên để kéo lên căn cứ Võ Nhai đàn áp cách mạng. Ban lãnh đạo căn cứ Võ Nhai cũng khẩn trương đối phó trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ địch; theo dõi chặt chẽ hơn bọn phản động địa phương, bọn mật thám, chỉ điểm; giáo dục cho nhân dân quyết tâm chiến đấu, nâng cao cảnh giác cách mạng; tổ chức chặt chẽ tuần tra, cảnh giác, cất giấu lương thực, ban đêm lên rừng ngủ...

Những ngày đầu tháng 11-1944, tình hình diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Ngày 2/11/1944, địch phá cơ sở của ta ở Cây Thị (Đồng Hỷ), cắt đứt liên lạc của căn cứ Võ Nhai với Trung ương và xứ ủy. Kẻ địch chuyển nhanh cuộc khủng bố vào căn cứ Võ Nhai. Từ ngày 5/11/1944, địch vây bắt các hội viên Việt Minh, cán bộ Ban Chấp hành Việt Minh. Nhiều binh lính khố đỏ, khố xanh, mật thám kéo lên Võ Nhai.

Đứng trước tình hình này, đông đảo quần chúng kiến nghị phải đánh địch để giữ vững phong trào cách mạng.

Ngày 10/11/1944, Ban Chỉ huy phân khu A thuộc chiến khu Hoàng Hoa Thám họp bàn đối phó trước kẻ địch, tìm mọi cách nắm giữ một số chức vụ trong chính quyền địa phương, đưa lực lượng binh vận đột nhập vào các đồn bốt địch. Trong tình hình này, lực lượng cách mạng phải đánh vào các đồn bốt địch để giữ vững phong trào cách mạng. Đồng thời thành lập các ban phá hoại, chiến đấu, trinh sát, binh vận... tiến hành trừng trị bọn đầu xỏ phản động, mật thám, vận động quần chúng cách mạng cất giấu lương thực, thực hiện vườn không đồng vắng, tiêu thổ làng bản, phá hoại đường xá, cầu cống...

Sáng 11/11/1944, Cứu quốc quân diệt 10 tên mật thám và phản động có nhiều nợ máu với nhân dân, phá cầu Trúc Mai cắt đứt giao thông từ Đình Cả về thị xã Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, đông đảo nhân dân với cờ, trống, mõ rầm rộ tuần hành thị uy cổ vũ hành động cách mạng và uy hiếp tinh thần kẻ địch. Đêm 12/11, cứu quốc quân đánh đồn Quang Thái. Sau đó, tiến lên giải phóng châu lỵ La Hiên, xóa bỏ chính quyền địch. Trước sự phát triển đột biến của phong trào cách mạng khu căn cứ Võ Nhai, thực dân Pháp hoảng hốt, điên cuồng đối phó. Viên Công sứ Thái Nguyên ra lệnh tăng cường ngay binh lính cho đồn Đình Cả và đồn bang tá Tràng Xá, phong tỏa biên giới tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn, thành lập đội quân khủng bố gồm một tiểu đoàn lính khố đỏ và một số trung đội lính khố xanh. Quân địch ở Lạng Sơn và Bắc Giang cũng được lệnh yểm trợ cho binh lính đánh ở Võ Nhai.

Mặc dù vậy, quân ta vẫn tiếp tục đánh địch khắp nơi, phục kích tại cầu Trúc Mai đánh hai đại đội lính khố đỏ từ thị xã Thái Nguyên lên tăng viện Võ Nhai, tiêu diệt nhiều tên, đánh xe ô tô chở tên tỉnh trưởng gian ác. Từ ngày 13 đến 25/11/1944, Cứu quốc quân đã chủ động đánh địch hàng chục trận, tiêu hao lực lượng địch, cụ thể: Đánh địch ở Nà Noong, Mỏ Gà, La Mạ; phục kích địch ở Na Hòa, tên Trưởng đồn Đình Cả phải bỏ xe tháo chạy. Trận này ta thu được trên 8.000 viên đạn, một số vũ khí, chiến lợi phẩm...

Dưới sự chỉ đạo năng động của Ban lãnh đạo phân khu A, đội Cứu quốc quân đã có cách đánh linh hoạt, luôn bảo toàn được lực lượng. Sáng 25/11/1944, địch đánh vào Lân Hoa. Nhờ có hang đá kiên cố, quân dân Võ Nhai đã đánh trả địch rất quyết liệt, gây cho địch thiệt hại nặng. Buổi chiều, những toán lính khố đỏ và khố xanh phải rút lui. Thực dân Pháp thay quân bằng những toán lính Âu - Phi thiện chiến hơn mong thay đổi thế trận. Nhưng hang đá vẫn là chiến lũy vững chắc bảo vệ Cứu quốc quân. Bình tĩnh chờ cho giặc mò vào tận ngách hang đá, quân ta mới nổ súng tiêu diệt. Trận này ta đã diệt hàng chục tên địch, thu được vũ khí, giữ vững trận địa. Cay đắng, ngày 27/11/1944 thực dân Pháp lại huy động trên 100 lính lê dương, là loại lính khét tiếng tàn bạo dã man tiếp tục đánh vào hang đá Mỏ Gà. Quân ta đã đánh địch bằng các sàn xếp đầy đá trên lưng chừng núi. Trận này nhiều tên địch đã bị đá đè chết ngay tại chỗ hoặc bị đá hất xuống chân núi. Bọn địch càng lo sợ và muốn tháo chạy.

Sau một thời gian chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, căn cứ Võ Nhai đã chuyển hướng đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Tiếng súng của căn cứ Võ Nhai đã để lại tiếng vang tự hào lâu dài, góp phần làm rạng rỡ truyền thống kiên cường của khu căn cứ Võ Nhai trong những ngày tháng sửa soạn cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nông Quang Hoạt
(Biên soạn)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: