Nguyện vọng chính đáng của người dân ở Yên Ninh

Cập nhật: Thứ sáu 14/04/2017 - 11:29
 Nhiều năm đã trôi qua nhưng gia đình bà Thái vẫn gìn giữ cẩn thận bức hình chụp Bác Hồ về thăm gia đình sau cải cách ruộng đất năm 1955.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng gia đình bà Thái vẫn gìn giữ cẩn thận bức hình chụp Bác Hồ về thăm gia đình sau cải cách ruộng đất năm 1955.

Theo tư liệu trong cuốn “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” (Nhà xuất bản Lý luận Chính trị Hà Nội, 2007), chúng tôi đọc được những thông tin: Chỉ 2 tháng sau ngày trở về tiếp quản Thủ đô, tháng 12-1954, Bác đã tham dự và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang.

Sau đó, Bác đến Đồng Tiến (Phổ Yên), là một xã vừa hoàn thành cải cách ruộng đất. Người đã tỉ mỉ hỏi han tình hình người nông dân sau cải cách ruộng đất. Cuốn sách cũng đăng kèm bức ảnh Bác Hồ về thăm gia đình nông dân Đỗ Thị Gái, ở xóm Ninh Chù, thôn Cốt Ngạnh, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên (nay là tổ dân phố Yên Ninh, phường Ba Hàng, T.X Phổ Yên).

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Yên Ninh, năm nay 70 tuổi kể: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Cốt Ngạnh. Thời điểm Bác Hồ về thôn năm 1955, khi đó tôi còn nhỏ. Lớn lên, nghe người cao tuổi trong làng kể lại thì trong chuyến thăm xã Đồng Tiến, Bác Hồ đã đề nghị với Chủ tịch UBND xã (khi ấy là ông Bé Bản) đưa xuống một số gia đình cố nông. Tại nhà bà Đỗ Thị Gái, Bác đã hỏi han tỉ mỉ tình hình bà con nông dân sau cải cách ruộng đất. Một số nông dân đã báo cáo với Bác về tình hình sản xuất, về số ruộng được chia... Ai nấy đều tỏ lòng biết ơn Đảng và Chính phủ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến đời sống nông dân lao động. Người căn dặn đồng bào: Phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất. Người hứa sẽ thưởng cho ai lập thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm mà Đảng và Chính phủ vừa mới phát động. Mấy tháng sau, người dân trong thôn được thông tin về tờ báo có hình ảnh Bác Hồ thăm thôn Cốt Ngạnh. Họ đã cắt bài báo và tấm ảnh gửi cho ông Nguyễn Văn Tựu (chồng bà Gái).

 

Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Năm (là con của cụ Nguyễn Văn Tựu và Đỗ Thị Gái). Ông Năm, nhân chứng của tấm ảnh đã mất cách đây 10 năm. Hiện chỉ còn bà Nguyễn Thị Thái, năm nay 76 tuổi, vợ của ông Năm. Theo lời kể của bà Thái thì từ ngày về làm dâu, bà được các cụ giao lại nhiệm vụ lưu giữ tấm ảnh Bác Hồ chụp cùng gia đình khi Người về thăm như một kỷ vật quý giá. Do thời gian đã lâu nên bài báo đã bị thất lạc. Chỉ vào tấm hình được gia đình lưu giữ cẩn thận bao năm qua đang được treo trang trọng trong nhà, bà Thái nói: Bác Hồ đứng ở sân nhà tôi. Mẹ tôi là người mặc váy đứng bên cạnh. Đây là chồng tôi, ông Nguyễn Văn Năm, khi ấy còn là cậu bé mới hơn 10 tuổi đứng ở ngay đầu con trâu. Đằng sau Bác là một số cảnh vệ và cả một số cán bộ, người dân địa phương biết Bác Hồ về đã ùa đến. Khi Bác hỏi gia đình tôi về tình hình sau cải cách ruộng đất, mẹ tôi đã trả lời: “Thưa Bác, gia đình cháu rất phấn khởi vì được chia cho con trâu to để lấy sức cày kéo”. Còn bố chồng tôi, ông Nguyễn Văn Tựu đang làm việc cách nhà mấy cây số khi nghe tin vội vã trở về thì Bác đã đi rồi.

 

Dẫn chúng tôi ra thăm địa điểm nơi Bác Hồ đứng chụp ảnh và nói chuyện cùng gia đình mình trước đây, bà Thái cho biết thêm: Trước đây, mỗi lần Đại hội Thể dục Thể thao của huyện và thị trấn đều đến địa điểm gia đình tôi để rước lửa truyền thống. Đã có lần cán bộ của Bảo tàng tỉnh về khảo sát địa điểm để làm thủ tục lập tấm biển ghi dấu di tích nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.

 

Ông Nguyễn Văn Lương, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Ninh ý kiến: Trong khuôn viên của Nhà văn hóa tổ dân phố Yên Ninh mới xây dựng hiện nay, người dân cũng rất mong muốn được xây dựng một nhà tưởng niệm Bác Hồ, ghi dấu nơi Người về thăm địa phương và ghi danh các Anh hùng liệt sĩ, người con có đóng góp cho quê hương để giáo dục truyền thống lịch sử cho mọi người, nhất là lớp trẻ. Chúng tôi cũng sẽ phóng to bức ảnh Người về thăm Yên Ninh để treo tại Nhà văn hóa.

 

Còn ông Lê Danh Khiêm, Bí thư Đảng ủy phường Ba Hàng cho biết: Chúng tôi là thế hệ sau, lớn lên chỉ nghe các cụ kể lại về việc sau cải cách ruộng đất, Bác Hồ về thăm Thái Nguyên có ghé qua Yên Ninh vào thăm nhà cụ Nguyễn Văn Tựu. Nhiều lần cấp ủy, chính quyền và đoàn thể của thôn Yên Ninh cũng đã kiến nghị với phường về việc xây dựng khu lưu niệm. Chúng tôi mong rằng thời gian sớm nhất các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền thẩm định, có hướng dẫn cụ thể địa phương làm các thủ tục đặt tấm bia công nhận di tích nơi Bác Hồ đã đến thăm.

 

Trong quá trình lấy thông tin tư liệu, được người dân phản ánh, chúng tôi đã vào mạng internet và thấy bức hình nói trên được đăng với nhiều chú thích về địa điểm khác nhau: Bác Hồ đến thăm và chỉ đạo cải cách ruộng đất ở Tuyên Quang, hay Hồ Chủ tịch thăm một gia đình nông dân thôn Lâm Xuyên, xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang... Việc một bức hình lại được ghi chú ở nhiều nơi, thậm chí ở hai thời điểm khác nhau (có nơi ghi năm 1955, có chỗ lại khẳng định là năm 1956) đã khiến người dân Yên Ninh rất buồn. Bởi vậy, nguyện vọng của họ là sớm được các cấp chính quyền quan tâm, trước hết là khẳng định bức ảnh đó được chụp tại xã Đồng Tiến khi Người về thăm vào thời gian cụ thể nào, cũng như có tấm bia công nhận nơi đây Bác Hồ đã dừng chân trong chuyến công tác.

Duy Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: