Nơi sơ tán của Phòng Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam

Cập nhật: Thứ tư 23/09/2015 - 10:55

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phòng ban của Đài tiếng nói Việt Nam đã rời Thủ đô để lên vùng chiến khu Việt Bắc. Trong đó, xóm Trại, xã Nga My (Phú Bình) là nơi Phòng Văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam sơ tán lên làm việc trong suốt 10 năm (1962-1972).

Ở tuổi 75 nhưng ông Dương Văn Cạc, ở xóm Trại, xã Nga My vẫn còn khá minh mẫn. Ông Cạc chia sẻ: Hồi ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi nhưng được cùng nhóm thợ mộc trong xã trực tiếp làm cửa và mái 4 gian nhà làm việc của Phòng Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Sau khi khu nhà được làm xong, có trên 100 cán bộ và người nhà của cán bộ cùng sơ tán lên đây. Các gia đình trong xóm đã tạo điều kiện chỗ ăn và chỗ nghỉ cho họ trong thời gian sơ tán.   

 

Mảnh đất Phòng Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam chọn để xây dựng trụ sở vốn là đất của gia đình ông Nguyễn Văn Muôn, nằm ngay sát sông Cầu. Ông Nguyễn Văn Bộ, con cả của ông Muôn cho biết: Tôi được nghe bố kể lại, gia đình đã tự nguyện cho Phòng Văn nghệ mượn khu đất để xây dựng nhà làm việc. Qua lời kể của ông Bộ, chúng tôi biết thêm về những công việc mà Phòng Văn nghệ làm trong những năm sơ tán tại đây. Đó là việc tập luyện, dàn dựng rồi sản xuất ra chương trình và gửi về trụ sở chính ở Hà Nội để phát sóng. Ông Bộ còn nhớ rất rõ các đồng chí như: Ngọc Viễn, Châu Loan, nhạc sĩ Trần Trung, Lệ Thu, nghệ sĩ nhân dân Như Hoa, Đỗ Xuân đã có nhiều năm công tác tại đây. Các nghệ sĩ chia thành từng tổ: Chèo, Cải lương, Kịch nói tập luyện dàn dựng, thu băng và chuyển về Hà Nội.

 

Với ông Dương Mạnh Thân, trước đây công tác tại Bộ Tổng tham mưu, lại có nhiều kỷ niệm với các nghệ sĩ trong những lần ông đi nhờ xe từ quê về Hà Nội. Ông Thân kể lại: Mỗi lần từ quê về Hà Nội, tôi lại đi nhờ chiếc xe tải của Đài về, dọc đường được tiếp xúc với các nghệ sĩ, họ rất vui vẻ yêu đời, có thể hát suốt dọc đường đi.

 

Đến năm 1972, Phòng Văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam trở lại Hà Nội. Mọi phương tiện làm việc được mang theo, khu nhà làm việc được giao lại cho nhà ông Muôn. Đến nay, chỉ còn phần móng ngôi nhà và những bức tường dày 40cm để ngổn ngang bên bờ sông Cầu. Nhiều nghệ sĩ sau khi chuyển về Hà Nội vẫn thường xuyên quay trở lại xóm Trại để ôn lại một thời công tác tại đây cũng như thăm lại bà con trong xóm đã từng cưu mang giúp đỡ mình.

Văn Mưu
(Phú Bình)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: