Chiến sĩ áo trắng và những hy sinh thầm lặng

Cập nhật: Thứ bẩy 03/09/2022 - 14:54
 Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật u não.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật u não.

Chớm Thu, sắc trời ở Thái Nguyên đã tươi xanh hơn, nắng trong hơn. Cuộc sống thường nhật đã quay trở lại nhưng dư âm về những ngày đầy gian khó chống dịch COVID-19 thì vẫn còn mãi trong ký ức của người dân xứ Thái. Trong tâm khảm của mỗi người đều không quên những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vì nhân dân mà cống hiến

Những ngày tháng 8-2021, các tỉnh miền Nam, trong đó có Long An chìm trong đau thương khi dịch COVID-19 quét qua. Khi ấy, nhiều đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên đã tình nguyên lên đường hỗ trợ tâm dịch. Họ không màng đến hiểm nguy, vất vả, ngày đêm “sát cánh” cùng người bệnh mà hy sinh hạnh phúc của riêng mình.

Đơn cử như bác sĩ Lâm Văn Tài, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), sinh ra lớn lên ở quê hương Nam Hòa (Đồng Hỷ), hoãn cưới để lên đường làm nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương, do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thiết lập tại tỉnh Long An vào trung tuần tháng 8-2021.

Bác sĩ Tài chia sẻ: Khi ấy tôi đã bỏ lại tất cả sau lưng để lên đường với tâm niệm duy nhất là cống hiến hết sức mình để cứu chữa người dân. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát cam go ấy, người dân cần chúng tôi hơn lúc nào hết. Còn việc cưới xin, chúng tôi lùi lại một thời gian cũng không sao.

Cũng lên đường hỗ trợ tâm dịch với tinh thần cao nhất, điều dưỡng Nguyễn Đình Hùng, Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), người con của vùng đất chiến khu xưa – Định Hóa, mang trong mình khát vọng được cống hiến đến Long An. Tuy nhiên, ngày 26-8, điều dưỡng Hùng nhận tin bố của anh đã qua đời do tai nạn giao thông. Những ngày ấy, Long An chìm trong đau thương khi mỗi ngày rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng và ra đi mãi mãi. Đau thương chồng lên đau thương khi người cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ở tâm dịch không thể về chịu tang cha. Cho đến bây giờ nỗi đau mất cha vẫn chưa nguôi ngoai nhưng điều dưỡng Hùng vẫn luôn quả quyết, mình không ân hận khi đã tình nguyện đi hỗ trợ tâm dịch. Anh tin, bố mình sẽ hiểu, thông cảm cho con trai và ngậm cười nơi chín suối…

Đây là chỉ hai trong vô số những câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ y tế người Thái Nguyên trong những ngày nỗ lực hết mình ở tâm dịch miền Nam và cả những ngày Thái Nguyên đang ở đỉnh dịch. Tuy nhiên, với trên 4.900 cán bộ y tế Thái Nguyên, những hy sinh, vất vả trong những ngày chống dịch thật đáng giá khi hôm nay, cả đất nước nói chung, Thái Nguyên nói riêng đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh.

Dịch bệnh thoái trào, cán bộ y tế đã trở về với công việc thường nhật nhưng họ vẫn đang tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều dưỡng Đinh Thị Tâm, Khoa Nhi (Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên), nói: Hằng tuần chúng tôi vẫn đi trực trong Bệnh viên. Có những khi con ốm, tôi để bé ở nhà cho người thân chăm sóc để đến với các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện. Không phải tôi không thương con mà tôi hiểu các bệnh nhi nặng hơn, cần tôi hơn. Tôi tin, sau này lớn lên, con sẽ hiểu và thông cảm với tính chất công việc của một người mẹ làm trong ngành Y như tôi.

Nhân viên Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện xét nghiệm huyết học cho bệnh nhân.

Không sợ khó, khổ

Cho đến bây giờ rất nhiều y, bác sĩ của Thái Nguyên vẫn nhớ mãi lời thề Hippocrates mà họ từng đọc trong lễ tốt nghiệp. Bởi lẽ đó, không ai ngại khó, ngại khổ mỗi khi làm nhiệm vụ.

Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trạm Y tế phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), cho hay: Hiện nay, lịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 vẫn dầy đặc. Đó là chưa kể lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em vào một ngày cố định trong tháng.  Rồi các nhiệm vụ thường quy tại địa phương như theo dõi sức khỏe cho người bệnh mạn tính, vấn đề an toàn thực phẩm, nắm bắt các bệnh dịch theo mùa. Đặc biệt, có thời điểm, chúng tôi phải tăng cường cùng các lực lượng chức năng theo dõi và đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho các sự kiện, lễ kỷ niệm, các lễ hội trên địa bàn... Khối lượng công việc nhiều như vậy, áp lực rất lớn nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn luôn động viên nhau vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn bác sĩ Trịnh Phạm Thanh Tùng, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện A Thái Nguyên), cho biết: Từ khi Bệnh viện hoạt động bình thường trở lại, tôi quay trở về với công việc chuyên môn thường nhật. Tuy nhiên, việc tiến hành mổ lấy thai cho sản phụ vào lúc nửa đêm, hoặc 1, 2 giờ sáng thì vẫn tiếp diễn. Có điều tôi không phải ở biền biệt trong khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 cả tháng trời như trước nữa. Những hôm không có ca trực, buổi tối, tôi đã có thể quây quần ăn cơm cùng người thân. Theo nghề nào thì hy sinh cho nghề đó nên tôi thấy hạnh phúc khi góp phần mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn…

Trong mỗi câu chuyện với chúng tôi, nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi các chiến sĩ áo trắng. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, đằng sau nụ cười và sự kiên cường ấy là những hy sinh thầm lặng không thể nói hết bằng lời. Để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ đã, đang và sẽ tiếp tục trải qua bao tháng ngày vất vả…

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: