Người phụ nữ đam mê trang phục đồng bào Dao

Cập nhật: Thứ hai 31/10/2022 - 08:54
 Chị Đinh Thị Ngọc Lương đang vắt sổ chiếc áo nam truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.
Chị Đinh Thị Ngọc Lương đang vắt sổ chiếc áo nam truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.

Mặc dù có bố mẹ quê gốc ở miền xuôi nhưng do được sinh ra và lớn lên tại nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chị Đinh Thị Ngọc Lương, xóm Tân Lập, xã Quân Chu (Đại Từ), có niềm đam mê với những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao từ khi còn nhỏ. Với 27 năm gắn bó với chiếc máy may, chị Lương vừa góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Đến xã Quân Chu, nơi có gần 50% hộ dân là đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt sinh sống, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp hình ảnh các bà, các chị em trong trang phục truyền thống đang hái chè, làm đồng. Được biết, bà con đa phần đặt may trang phục ở nhà chị Đinh Thị Ngọc Lương.

Mất gần 30 phút đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những quả đồi, chúng tôi mới đến được nhà chị Lương. Ngôi nhà nhà vách đất, lợp ngói đỏ của gia đình chị được coi là “của hiếm” hiện nay. Chị Lương đang ngồi bên chiếc máy khâu tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ, phía sau là những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao được chị may xong và treo lên cho phẳng.

Chị Lương vui vẻ trò chuyện: Tôi biết thêu những họa tiết hoa văn trên trang phục của đồng bào Dao từ khi mới lên 7-8 tuổi. Lúc đó, tôi thường theo các bà, các chị trong xóm đi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng, họ hay mang theo vải để thêu những họa tiết hoa văn truyền thống. Rồi tôi được các bà dạy cho cách se chỉ thêu và thêu. Năm lên 10 tuổi, tôi đã thêu thành thạo tất cả các họa tiết, hoa văn như: Hình tam giác, vuông, chữ nhật, hình quả trám, cỏ cây, hoa, lá...

Còn về nghề may, thì khi lên 15 tuổi, chị Lương đã tự cắt vải và may được quần áo. Chị nhớ lại: Các đây hơn 20 năm, người dân trong xã đến sửa chữa và may quần áo mới đông lắm, tôi làm từ sáng đến tối vẫn không kịp để trả cho khách. Thời đó do chưa có điện nên phải dùng máy khâu đạp bằng chân, vắt sổ bằng tay, vì thế để may một chiếc áo hoàn chỉnh mất thời gian gấp đôi so với bằng máy khâu, máy vắt sổ công nghiệp như bây giờ. Để có vải may hằng tháng, tôi bắt xe khách về chợ Đồng Xuân để mua cho rẻ.

Không chỉ may quần áo đơn thuần mặc hằng ngày, chị Lương còn may những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt sinh sống trên địa bàn xã. Chị Lương cho hay: May trang phục truyền thống của đồng bào Dao phải mất nhiều công đoạn hơn so với may quần áo thông thường, như phải lên rừng lấy củ nâu về nhuộm vải thành màu chàm, sau đó phơi khô, thêu các hoa văn, họa tiết dưới chân áo, chân quần, sau lưng áo... Do đó, để may hoàn chỉnh một chiếc áo nam phải mất 1 tuần, áo nữ phải mất 1 tháng liên tục.

Khách hàng của chị Lương ngoài bà con đồng bào Dao ở trong xã, còn có ở các xã khác trên địa bàn huyện. Chị Dương Thị Minh ở xóm Hòa Bình cho biết: Tôi hay đến nhà chị Lương may quần áo. Một phần do giá rẻ hơn gần một nửa so với giá thị trường, một phần do kiểu dáng cũng như những màu sắc của hoa văn chị Lương thêu đều quen thuộc, gần gũi.

Ông Ngô Văn Chiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quân Chu, cho biết: Trang phục truyền thống thể hiện nét văn hóa đăng trưng riêng của đồng bào Dao. Trước đây, trong xã có nhiều người may trang phục truyền thống của dân tộc Dao nhưng mọi người bỏ dần, nay chỉ còn duy nhất chị Đinh Thị Ngọc Lương. Chị ấy đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã.

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: