Người uy tín ở xóm Ó

Cập nhật: Thứ sáu 26/08/2022 - 09:37
 Ông Nguyễn Minh Hiến thăm mô hình nuôi trâu của gia đình bà Nguyễn Thị Nhãn.
Ông Nguyễn Minh Hiến thăm mô hình nuôi trâu của gia đình bà Nguyễn Thị Nhãn.

Năm 2017, ông Nguyễn Minh Hiến, sinh năm 1955, được nhân dân bầu là Người có uy tín của xóm Ó, xã Yên Lạc (Phú Lương). Ông Hiến là một trong số ít người có uy tín thuộc đồng bào dân tộc Kinh trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của mình, ông tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đóng góp tiền, công sức làm đường giao thông, kênh mương nội đồng; bài trừ các hủ tục...

Xóm Ó cách trung tâm xã hơn 5km, có 178 hộ với trên 600 nhân khẩu, có 7 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Thái, Sán Dìu). Ông Hiến cho biết: Trước đây, đời sống của người dân trong xóm gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông trắc trở, không có hệ thống kênh mương nội đồng. Ngoài ra, bà con trong xóm vẫn giữ hủ tục trong ma chay.

Sinh ra và lớn lên tại xóm Ó, ông Hiến luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Năm 2011, sau khi nghỉ hưu, được bà con trong xóm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, sau đó là Người có uy tín, ông Hiến đã biến những suy nghĩ của mình thành hành động thực tế.

Ông Hiến chia sẻ: Khi đó, tôi đã cùng với Bí thư Chi bộ và trưởng các đoàn thể của xóm bàn bạc, phân tích nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong xóm. Qua đó xác định muốn tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo thì trước tiên giao thông phải thuận tiện, phải có hệ thống kênh mương nội đồng.

Ngay sau đó ông Hiến và trưởng các đoàn thể của xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xóm hiến gần 10.000 m2 đất, góp hàng trăm ngày công và 427 triệu đồng để cùng với Nhà nước làm hơn 2km đường trục chính của xóm.

Ông Hoàng Văn Ngọc, Trưởng xóm Ó, cho biết: Ông Hiến không chỉ trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc mà còn đi đầu trong việc hiến đất. Mặc dù diện tích đất sản xuất của gia đình hạn chế nhưng ông đã hiến trên 3.000m2 đất vườn cho xóm xây dựng tuyến đường. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường đã được hoàn thành, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con thuận lợi hơn. 

Cùng với xây dựng đường giao thông, ông Hiến còn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí làm mới và sửa chữa gần 1km kênh mương nội đồng. Nhờ đó, đã có 5/11ha đất lúa của xóm cấy được 2 vụ (tăng trên 4ha so với trước).

Khi giao thông đi lại thuận lợi, ông Hiến tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào sản xuất, như: Nuôi trâu, bò vỗ béo; chăn nuôi lợn, gà theo hướng gia trại; nuôi dê bán chăn thả.

Hiện nay, xóm có trên 500 con gia súc, hàng nghìn con gia cầm, trên 2.000ha cây keo... Nhờ đó, đời sống của người dân dần được nâng lên. Hiện nay, xóm chỉ còn 5 hộ nghèo, cận nghèo (năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 30%), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, trước việc người dân trong xóm còn giữ hủ tục trong ma chay, gây lãng phí thời gian và tiền của của, ông Hiến đã cùng với xóm xây dựng hương ước, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang. 

Với những đóng góp của mình, ông Hiến được chính quyền và nhân dân trong xóm luôn quý mến, tin tưởng; được Ban Dân tộc tỉnh và chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng.

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: