Cho lúa xanh đồng

Cập nhật: Thứ năm 28/07/2022 - 07:23
 Nông dân phường Bách Quang (TP. Sông Công) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa vụ xuân năm 2022.
Nông dân phường Bách Quang (TP. Sông Công) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa vụ xuân năm 2022.

Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công dần bị thu hẹp để phục vụ triển khai các công trình, dự án phát triển công nghiệp, đô thị. Xác định cây lúa vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững, TP. Sông Công đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lúa gạo cũng như tăng thu nhập cho người dân.

Trước đây, trên toàn bộ cánh đồng thuộc tổ dân phố Quang Vinh 1 và Quang Vinh 2, phường Châu Sơn, bà con nông dân chủ yếu cấy giống lúa Khang dân và một số giống cũ nên năng suất không cao. Hai vụ gần đây, người dân đã đưa vào gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao Đài thơm 8, cho năng suất xấp xỉ 2,5 tạ/sào (cao hơn 0,5 tạ/sào so với các giống lúa cũ).

Bà Đào Thị Thứ, ở tổ dân phố Quang Vinh 1, cho biết: Ban đầu, khi sử dụng giống lúa mới, chúng tôi cũng rất lo lắng, băn khoăn. Song nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giá giống, vật tư nên bà con yên tâm sản xuất. Sau mỗi vụ thu hoạch, nhận thấy giống lúa Đài thơm 8 cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt nên những vụ sau, hấu hết các hộ đã đưa vào gieo cấy đại trà.

Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế TP. Sông Công: Hằng năm, toàn thành phố gieo cấy khoảng 3.200ha lúa/2 vụ. Xác định nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa để góp phần phát triển kinh tế bền vững, thành phố đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống lúa lai, chất lượng cao vào gieo cấy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo người dân thực hiện gieo cấy và chăm sóc theo khung thời vụ, đúng kế hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chuyên môn và các xã, phường chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lúa từng vụ.

Một trong những giải pháp được triển khai có hiệu quả tại TP. Sông Cônglà việc gieo trồng thử nghiệm, khảo nghiệm các giống lúa mới phù hợp, thay thế các giống cũ đã thoái hóa. Theo đó, hằng năm, thành phố thực hiện 10-15 mô hình cánh đồng một giống, vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao với các giống: J02, Thiên ưu, Đài thơm 8, LC 25, LC 212…

Các mô hình được thực hiện đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch nên giảm được sâu bệnh, chi phí, tăng năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, từng bước thay đổi thói quen, tư duy sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như vụ xuân năm 2022, Phòng Kinh tế TP. Sông Công phối hợp với Công ty CP Tư vấn và Chứng nhận quốc tế ISOCUS thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao (LC 25), quy mô 20ha tại các xã, phường: Tân Quang, Lương Sơn và Châu Sơn. Tham gia mô hình, 122 hộ dân được tư vấn, đào tạo sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, thông qua việc cài đặt phần mềm quản lý cây lúa từ khi gieo cấy đến lúc thu hoạch trên điện thoại thông minh. Hiệu quả từ mô hình này không những là cơ sở để nhân rộng trên địa bàn mà còn giúp người dân tiếp cận với công nghệ số, từng bước đưa sản phẩm gạo đạt chứng nhận OCOP.

Cùng với triển khai các mô hình giống lúa mới, cơ giới hóa sản xuất cũng là một trong những giải pháp được TP. Sông Công quan tâm triển khai. Hiện nay, trrên địa bàn có khoảng 350 máy làm đất loại vừa và nhỏ, đảm bảo cơ giới hóa khâu làm đất  đạt trên 90% diện tích đất lúa trong từng vụ; khâu tuốt, vò lúa đã được cơ giới hóa 100%...

Nhằm khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, TP. Sông Công cũng thực hiện hỗ trợ giá giống với mức 30 nghìn đồng/sào đối với các vùng sản xuất lúa tập trung; hỗ trợ không quá 50% chi phí vật tư phân bón; hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật…

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, năng suất lúa của TP. Sông Công được nâng lên, tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và kỹ thuật canh tác được chuyển giao đến đông đảo người dân; tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa từng bước được hình thành. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 10 vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao với tổng diện tích gần 140ha; năng suất lúa bình quân đạt trên 54 tạ/ha (tăng trên 3 tạ/ha so với năm 2020)... Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản đạt 400ha; có 1-2 sản phẩm lúa gạo được chứng nhận OCOP…

Trịnh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: