Liên kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học
Từ chuồng nuôi lợn cũ để trống, ông Vi Văn Thái, Tổ trưởng THT chăn nuôi ATSH xã Động Đạt đã cải tạo để chuyển sang nuôi vịt ATSH. |
Được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, một số hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại xóm Làng Ngòi và Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học (ATSH). Thực hiện theo phương pháp này không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Nhằm thúc đẩy việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia cầm ATSH và giúp đỡ các hộ chăn nuôi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giữa năm 2019, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản của tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn cung cấp thực phẩm cho chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản sạch và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh” tại 5 hộ dân thuộc xóm Làng Chảo, Làng Ngòi. Theo đó, 5 hộ tham gia đã được hướng dẫn liên kết thành lập THT chăn nuôi gia cầm ATSH xã Động Đạt vào tháng 8-2019. Tiếp đó, THT được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt ATSH theo chuẩn VietGAPH; tập huấn nghiệp vụ quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thiết kế, in ấn tem truy suất nguồn gốc; kết nối ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa THT với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Dự án cũng hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm ATSH bao gồm: 70% giá nhập 2.500 con gà giống, 5.000 con vịt giống; 50% giá thức ăn, thuốc thú y. Ông Vi Văn Thái, Tổ trưởng THT chăn nuôi ATSH xã Động Đạt cho biết: Từ khi thành lập THT, các thành viên đã có điều kiện được thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật với nhau hơn; thống nhất được giá cả cung ứng ra thị trường; thống nhất cơ sở nhập giống gia cầm, cám, thuốc thú y… Ngoài ra, chúng tôi cũng biết cách ghi chép sổ sách về quá trình chăn nuôi; vệ sinh sạch sẽ bề mặt chuồng trại thường xuyên; kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt theo phương pháp ATSH…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chăn nuôi gia cầm ATSH là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, đảm bảo gia cầm được phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh… Việc tham gia THT chăn nuôi theo phương pháp này đã đem lại nhiều lợi ích cho các hộ dân, mà trọng tâm là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Ông Nông Văn Thành, xóm Làng Chảo, 1 trong 5 tổ viên của THT cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu chăn thả tự do. Tuy nhiên, nuôi theo phương pháp này khá vất vả, không kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống chỉ đạt khoảng 70-85%. Từ khi tham gia THT, tháng 8-2019, tôi đã quyết định chuyển hướng nuôi vịt ATSH, đầu tư xây sửa chuồng trại theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm ATSH, áp dụng các kiến thức được tập huấn về chăn nuôi gia cầm ATSH. Thực hiện theo phương pháp này, tỷ lệ vịt sống đạt tới 95%; tỷ lệ tiêu tốn 2,6 kg thức ăn/kg thể trọng (ít hơn 0,4 kg so với phương pháp truyền thống); vịt xuất bán đạt cân nặng đồng đều trung bình 3,2kg/con; giá thành để nuôi 1 con vịt khoảng 88 nghìn đồng/con (thấp hơn 5 - 7 nghìn đồng so với phương pháp truyền thống). Từ tháng 8 đến hết năm 2019, gia đình tôi xuất bán được 5 nghìn con vịt với giá 40 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt 30 nghìn đồng/con.
Bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, khi tham gia dự án và thành lập THT, thương hiệu và thị trường đầu ra của sản phẩm cũng được mở rộng. Nếu trước kia các hộ chăn nuôi chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái thì nay đã có cơ hội cung ứng sản phẩm cho siêu thị Minh Cầu. Từ cuối năm 2019 đến trước dịp Tết Nguyên đán, Tổ đã cung ứng cho siêu thị hơn 100 con vịt, gần 200 con gà. Hiện, Tổ cũng đang chuẩn bị xuất bán lứa tiếp theo cho siêu thị. Nhờ có liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, thương hiệu sản phẩm của Tổ đã được nhiều người biết đến và có thêm đơn đặt hàng với bếp ăn tập thể của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Từ khi thành lập đến hết năm 2019, Tổ đã nuôi được 7.000 con vịt, 2.500 con gà. Giá xuất bán gia cầm trên thị trường đạt giá trị cao, lợi nhuận thu được khoảng 350 triệu đồng.
Mặc dù dự án chỉ kéo dài hơn 6 tháng nhưng đã giúp các thành viên trong THT nhận thấy việc liên kết chăn nuôi gia cầm ATSH vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, vì thế từ đầu năm đến nay các tổ viên đã phải giảm tổng đàn xuống. Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, đa số tổ viên đều khẳng định sẽ tiếp tục liên kết chăn nuôi ATSH và hướng tới chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAPH.