Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
Thành viên Tổ hợp tác rau quả an toàn Nông phúc, xóm Vai Say, xã Vạn Thọ (Đại Từ) trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. |
Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm “bẩn”… là mục tiêu “3 không” do các cấp Hội Nông dân phát động nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong giai đoạn hiện nay.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hiện nay, số diện tích và sản lượng áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác trên địa bàn tỉnh còn ở mức khiêm tốn: Chỉ có 10% diện tích chè và 4,5% diện tích rau tập trung được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Con số này là 3,3% đối với diện tích cây ăn quả và 4,7% đối với số trang trại chăn nuôi. Những số liệu trên cho thấy, số lượng và quy mô các hộ SXKD nông sản, thực phẩm an toàn hiện vẫn còn thấp trong khi nhu cầu của người tiêu dùng và đòi hỏi của thị trường là rất lớn. Thực tế cho thấy, tình trạng SXKD nông sản, thực phẩm không an toàn vẫn đang hiện hữu; nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về SXKD đảm bảo ATVSTP, bảo vệ sức khỏe, lợi ích cộng đồng vẫn còn hạn chế.
Trước thực tế này, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của hội viên, nông dân - chủ thể chính tham gia vào quá trình sản xuất nông sản, thực phẩm. Bằng việc phát động phong trào Nông dân thi đua SXKD nông sản, thực phẩm an toàn gắn với việc cam kết thực hiện 3 “không”, hoạt động này đã và đang nhận được sự hưởng ướng tích cực của hội viên, nông dân toàn tỉnh. Các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thông qua các hình thức sinh hoạt chi, tổ hội, tọa đàm, hội thi “Nông dân với an toàn thực phẩm” và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Với cách làm theo hướng “mưa dầm thấm đất”, phần lớn hội viên đều nắm bắt được các nội dung quy định của Luật An toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, với quan điểm không dừng lại ở tuyên truyền suông, vận động “chay”, Hội Nông dân các cấp đã tích cực mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo chuyên đề để vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo sử dụng; các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản sản phẩm, bảo vệ môi trường. Với những hộ sản xuất quy mô nhỏ và vừa, Hội cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn quy trình sản xuất và phổ biến, tuyên truyền việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho bà con theo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, việc ký cam kết thực hiện “3 không” của các hộ SXKD được đưa vào tiêu chí thi đua quan trọng giữa các cơ sở Hội. Theo nội dung cam kết, từng hội viên nông dân phải thực hiện đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhất là phải thực hiện nghiêm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nhỏ lẻ theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong năm 2019, đã có gần 101 nghìn hộ SXKD trên địa bàn tỉnh ký cam kết thực hiện “3 không”.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Tranh, ở xóm Nguội, xã Tân Thành (Phú Bình) có trên 5.000m2 trồng rau, củ, quả. Thông qua những đợt tuyên truyền, tập huấn, biết được tầm quan trọng của sản xuất nông sản an toàn, trong canh tác, ông luôn tuân thủ quy định về liều dùng, thời gian cách ly của nhà sản xuất khi sử dụng phân, thuốc trừ bệnh cho cây. Ông Tranh cũng luôn ưu tiên chọn những loại phân vi sinh, thuốc trừ bệnh nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chuyên môn. “Để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, tôi chủ yếu sử dụng phân vi sinh trong sản xuất. Chi phí cao nhưng nông sản sẽ an toàn hơn cho sức khỏe người dùng và cả bản thân tôi trong quá trình trồng trọt”, ông Tranh chia sẻ.
Cũng theo hướng sản xuất nông sản “sạch”, Tổ hợp tác rau quả an toàn Nông Phúc, xóm Vai Say, xã Vạn Thọ (Đại Từ) được thành lập trên cơ sở hướng dẫn, vận động của Hội Nông dân xã. Sau hơn 4 năm, tổ hợp tác đã dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với trên 60 hộ dân trong và ngoài xã tham gia thực hiện theo mô hình của tổ hợp tác cho thu nhập cao. Với phương thức sản xuất rau an toàn, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong trồng trọt như: Trồng rau trái mùa che phủ nilon, sản xuất rau quả trong nhà lưới, sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phòng trừ dịch bệnh... nhờ vậy, khi thu hoạch luôn đạt năng suất cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức trong SXKD đảm bảo ATVSTP, các cấp Hội trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế tập thể theo hướng sản xuất an toàn tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 166 tổ hợp tác, nhóm/tổ liên kết, chi/tổ hội nghề nghiệp. Trong đó có 102 tổ hợp tác, nhóm/tổ liên kết, chi/tổ hội nghề nghiệp do Hội trực tiếp đứng ra định hướng, hỗ trợ vốn, hướng dẫn thủ tục thành lập. Qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng miền, tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng như: Tương nếp Úc Kỳ, Na La Hiên, Bưởi Tràng Xá, Nếp Thầu Dầu, Miến Việt Cường, Ổi Linh Nham, Chè Tân Cương, Chè La Bằng, Gà đồi Phú Bình…
Anh Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi tư duy, ý thức của hội viên nông dân với với đề ATVSTP. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vấn đề này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhận thức của nhiều hội viên nông dân còn chưa đầy đủ, vẫn quen với phương thức sản xuất cũ; tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” vẫn còn tồn tại; một số hộ SXKD vì mục tiêu lợi nhuận còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và các chất cấm khác… Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân; nhân rộng những mô hình điểm về SXKD nông sản an toàn; phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp xử kiểm tra, xử lý những cơ sở vi phạm.