Triển vọng từ mô hình trồng rau bò khai
Nhận thấy hiệu quả từ trồng rau bò khai, anh Nguyễn Ngọc Linh, ở xóm 12, xã Cù Vân (Đại Từ) đã chuyển gần 3.000m2 đất đồi sang trồng loại rau này. |
Không chỉ là một món ăn ngon, có hương vị đặc trưng, cây rau bò khai còn là một vị thuốc rất tốt, dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, lợi tiểu, tiêu viêm… Do vậy, rau bò khai đã trở thành đặc sản, được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hàng ngày. Nắm bắt được điều đó, những năm gần đây, nhiều bà con ở xã Cù Vân (Đại Từ) đã đưa loại cây này từ rừng về trồng, đem lại thu nhập ổn định.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng rau bò khai và bắt đầu kinh doanh loại rau này vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Ngọc Linh, ở xóm 12 chia sẻ: Cây bò khai dễ trồng vì trong tự nhiên chúng sinh trưởng rất khoẻ, ít sâu bệnh. Việc giâm cành chỉ sau 20 ngày là có rễ, sau hai tháng có thể đem đi trồng. Sau khi trồng khoảng 8-10 tháng có thể thu hoạch được. Trung bình mỗi tháng, cây cho thu khoảng 5 lứa, mỗi lứa từ 1-1,2 tạ rau, giá bán trung bình từ 15-20 nghìn đồng/kg. Cũng giống như việc trồng các loại rau ăn lá khác, để đảm bảo an toàn, gia đình tôi không sử dụng các loại thuốc hóa học trong quá trình trồng, chăm sóc, việc phòng, trừ sâu bệnh hại đều bằng chế phẩm sinh học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu xã chỉ có một vài gia đình trồng rau bò khai rải rác với số lượng và diện tích nhỏ, phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình là chính. Tuy nhiên, khi nhận thấy giá trị kinh tế mà loại rau này mang lại, nhiều hộ dân trong vùng đã tích cực mở rộng diện tích. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của loại cây này, hướng tới mở rộng diện tích và sản xuất theo hướng hàng hóa, tháng 5-2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đại Từ đã triển khai mô hình trồng rau bò khai bằng phương pháp sinh học cho gần 30 hộ dân ở 2 xóm 12 và 13. Tham gia mô hình này, người dân được hỗ trợ gần 3 triệu đồng/sào, bao gồm: Giống, giàn che, hệ thống tưới bằng van xoay…, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Đến thời điểm này, toàn xã có gần 50 hộ dân trồng rau bò khai, thuộc 2 xóm 12 và 13 với tổng diện tích trên 6ha. Với nhiều hộ dân ở đây, trồng rau bò khai đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Khuyến, ở xóm 13. Ông Khuyến cho hay: Tôi bắt đầu trồng rau bò khai từ năm 2012 với diện tích khoảng 700m2. Đến nay, tôi đã mở rộng lên gần 3.000m2. Trung bình mỗi tháng tôi thu hái được khoảng 400kg rau. Với giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg, mỗi tháng tôi thu về khoảng 8 triệu đồng, trong khi đó chi phí chăm bón lại không quá tốn kém. Có những thời điểm giá cao, nhất là vào vụ đông hay những dịp gần Tết, giá rau bò khai có thể lên tới 50-60 nghìn đồng/kg. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đến nay, 100% diện tích rau của gia đình tôi đã có giàn lưới che và hệ thống tưới tự động nên giảm thiểu đáng kể thời gian và công sức cho việc chăm sóc rau, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến cây. Nhờ đó, rau của gia đình tôi phát triển khá tốt, cho thu ổn định, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và Hà Nội.
Theo nhiều hộ dân trồng rau bò khai ở xã Cù Vân thì hiện tại thị trường rau bò khai tương đối ổn định, rau thu hái đến đâu là tiêu thụ hết tới đó, thậm chí không đủ để cung cấp vào những tháng mùa đông.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Cây rau bò khai là loại cây dễ trồng, không tốn quá nhiều công chăm sóc và có giá trị kinh tế cao (gấp 3 lần so với trồng lúa và một số loại rau màu khác), được thị trường ưa chuộng. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng loại cây này tại các khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đồng thời kết nối tìm đầu ra cho bà con.