Trồng dưa lưới công nghệ cao ở Đại Từ: Những mùa quả ngọt đầu tiên

Cập nhật: Thứ ba 06/09/2022 - 07:33
 Trung bình mỗi năm, mô hình của anh Nguyễn Văn Hiếu cho thu hoạch khoảng 13 tấn dưa các loại.
Trung bình mỗi năm, mô hình của anh Nguyễn Văn Hiếu cho thu hoạch khoảng 13 tấn dưa các loại.

Năm 2019, anh Nguyễn Văn Hiếu, ở xóm Quang Minh, xã Phú Lạc, là người đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới ở huyện Đại Từ. Sau 3 năm, mô hình đã chứng minh hiệu quả, phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương, thói quen canh tác của người dân và đặc biệt là đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông nên từ nhỏ anh Hiếu đã thấu hiểu những vất vả của người nông dân với phương thức canh tác truyền thống và không nắm vững khoa học kỹ thuật. Năm 2019, trở về quê hương sau khi thử sức với nhiều công việc ở thành phố, anh suy nghĩ đến việc khởi nghiệp từ nông nghiệp an toàn. 

Đúng lúc này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ triển khai dự án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và anh Hiếu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. 

Anh Hiếu kể: Tôi biết về mô hình qua sách báo, internet và quyết định đặt niềm tin vào sự đồng hành của cán bộ chuyên môn và kinh nghiệm nông nghiệp sẵn có của bản thân. Với 800 triệu đồng được hỗ trợ để xây dựng nhà lưới và được cung cấp hạt giống, phân bón, giá thể, tôi bỏ ra khoảng 110 triệu đồng đối ứng, thay thế 700m2 ruộng trũng, trồng chè kém hiệu quả bằng vườn dưa công nghệ cao.

Sau một thời gian trồng thử nghiệm dưa lê Hàn Quốc và dưa lưới ruột cam ML38 nhưng không phù hợp, anh Hiếu quyết định gieo trồng toàn bộ giống Ichiba ruột xanh, được nhập khẩu từ Nhật Bản, cho quả giòn, ngọt, thơm, khả năng thích nghi cao. Nhờ đầu tư bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, nên sau 3 tháng, vườn dưa đã cho “trái ngọt”. Quả có bề ngoài đẹp, trọng lượng đồng đều từ 0,8-1,2kg/quả. Mỗi năm, dưa cho thu hoạch 2 lứa, từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch. 

Hiện, vườn dưa của anh Hiếu đã được mở rộng lên trên 2.000m2, cho thu trên 4 tấn quả, giá bán bình quân khoảng 40 nghìn đồng/kg. Trong đó, lợi nhuận chiếm khoảng 80%. Chia sẻ bí quyết trồng dưa cho hiệu quả kinh tế, anh Hiếu cho chúng tôi xem quy trình trồng, chăm sóc tự động hóa. 

Theo đó, trong nhà lưới được dựng khung thép chắc chắn, các công đoạn chăm sóc đều được áp dụng phương pháp, kỹ thuật tiên tiến như: Hệ thống tưới nước, cấp chất dưỡng chất tự động nhằm kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm; gieo trồng trên giá thể… Toàn bộ các hoạt động này đều được anh Hiếu quản lý, theo dõi và thực hiện trên điện thoại thông minh hoặc chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên bảng điều khiển đặt cố định trong nhà lưới. 

Bên cạnh bảo đảm các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng..., giá thể để trồng cây phải đúng tỷ lệ xơ dừa, trấu hun và phân chuồng ủ hoai mục. Quan trọng không kém là khâu thụ phấn, sau khi trồng khoảng 25-30 ngày là lúc thụ phấn tốt nhất cho cây, để có tỷ lệ đậu quả như ý muốn.

Khác hoàn toàn với phương pháp canh tác truyền thống, việc ứng dụng công nghệ cao cho thấy nhiều ưu điểm hơn hẳn khi hạn chế được sâu bệnh hại cây, không tốn nhiều diện tích canh tác, quả có mẫu mã đẹp, tiêu thụ dễ dàng, giá cả ổn định. Hiện, dưa của anh Hiếu thu hoạch đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó, chủ yếu là cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh hoa quả sạch trên địa bàn huyện Đại Từ và TP. Thái Nguyên. 

Ngoài dưa lưới Ichiba chủ lực, thời gian còn lại giữa 2 vụ, anh Hiếu trồng thêm dưa chuột an toàn, cũng với 2 lứa/năm. Mỗi lứa cho thu khoảng 2,5 tấn, giá bán bình quân từ 18-20 nghìn đồng/kg. Từ 700m2 ban đầu, đến nay, anh Hiếu đã mở rộng vườn lên gấp 3 lần. Tổng doanh thu từ các loại dưa đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ tập trung phát triển mô hình của mình, anh Hiếu còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa cho mọi người. Từ đây, một số mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đã được hình thành với quy mô từ 1.000-2.000m2 ở xóm Trại Mới, xã Phú Lạc; xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ; xóm Mận, xã Phục Linh… 

Bà Lê Thị Hiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ, cho biết: Là hộ đầu tiên trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở huyện, mô hình của anh Hiếu đã tạo ra được sức lan tỏa tại địa phương. Đây cũng chính là mục tiêu mà Trung tâm hướng đến khi hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xây dựng các mô hình, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp…

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: