Trồng rừng gỗ lớn: Hướng phát triển kinh tế bền vững
Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên phát dọn thực bì tại cánh rừng gỗ 2 năm tuổi tại xã Cây Thị (Đồng Hỷ). |
Nhằm góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cá nhân, đơn vị đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày.
Dẫn chúng tôi đi thăm vạt rừng có những cây giổi xanh mới trồng đang vươn lên xanh tốt, anh Triệu Quốc Phượng, ở xóm Khe Cạn, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) hào hứng chia sẻ: Năm nay, nhà tôi dự định trồng 10ha rừng gỗ lớn, bao gồm các loại cây như: Chò chỉ, giổi xanh... Xác định trồng rừng gỗ lớn sẽ phải mất thời gian dài từ 10 năm trở lên, vì vậy, để lấy ngắn nuôi dài, trong vòng vài năm đầu, nhà tôi sẽ trồng các loại cây dược liệu như: Ba kích, Hà thủ ô xen dưới tán rừng. Hiện cũng đã có một số công ty sản xuất dược liệu ở Hà Nội đến đặt vấn đề ký cam kết bao tiêu đầu ra nên chúng tôi cũng yên tâm sản xuất.
Với Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, đơn vị này đã trồng rừng gỗ lớn được 30ha bằng giống keo nuôi cấy mô. Hiện nay, diện tích rừng gỗ lớn đã được 3-4 năm, đang phát triển rất tốt. Khác với giống keo thường, keo nuôi cấy mô được lựa chọn trồng rừng gỗ lớn là giống cây không bị chia ngọn, không bị rỗng ruột, tránh được tình trạng cây bị đổ khi gặp mưa bão, chu kỳ sinh trưởng đến khi thu hoạch từ 10-14 năm. Ông Nguyễn Mạnh Đoan, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên cho biết: Nhận thấy việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tránh xói mòn đất, thời gian qua, Công ty đã thực hiện một số mô hình tại các xã: Hợp Tiến, Cây Thị (Đồng Hỷ); Vinh Sơn (T.P Sông Công) và Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) với 26 hộ dân tham gia. Cùng với đó, chúng tôi cũng tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức và làm theo, phấn đấu mỗi xã có 1 mô hình trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Còn tại huyện miền núi Định Hóa, sau 5 năm triển khai thực hiện dự án trồng cây quế, đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 2.300ha quế, tập trung ở các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh… Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, số hộ dân, đơn vị trồng rừng gỗ lớn vẫn còn ít. Đa phần các hộ trồng cây keo, đến năm thứ 6, 7 là bắt đầu bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12-15 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10-14 năm trồng mới tiến hành khai thác, hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250-300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22-25 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính của cây, người dân có thể trồng cây dược liệu hay một số loại cây khác dưới tán rừng. Thêm vào đó, trồng rừng gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra.
Chế biến gỗ tại Công ty cổ phần gỗ Phượng Anh, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên).
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Việc chuyển từ rừng trồng ngắn ngày sang rừng gỗ lớn dài ngày là giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phát triển rừng bền vững. Trong năm 2019, chúng tôi đã trồng được 30ha và trong năm nay phấn đấu trồng 50ha rừng gỗ lớn. Cùng với đó, chúng tôi cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng diện tích đất có rừng ở tỉnh ta là trên 187.300ha (trong đó, rừng đặc dụng có gần 35.500ha, rừng phòng hộ 37.500ha, rừng sản xuất trên 80.800ha, rừng ngoài quy hoạch trên 33.500ha, đất quy hoạch phát triển rừng là trên 43.100ha). Đây là điều kiện để tỉnh nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng trồng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, cộng với thời gian chăm sóc kéo dài nên đa phần các hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn thường chấp nhận “ăn non” rừng để trang trải cuộc sống và quay vòng vốn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được hiệu quả của việc trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn.
Có thể thấy, trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Vì vậy, để nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, ngành chức năng cũng chú trọng triển khai các mô hình trồng cây xen dược liệu, cây ăn quả dưới tán rừng để bà con có thu nhập trang trải cuộc sống. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong trồng rừng gỗ lớn như: Hỗ trợ tín dụng cho người trồng rừng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân liên kết phát triển rừng trồng gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC); đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.