Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình - Còn lắm gian nan: Cần có “bà đỡ” để thành công (Kỳ 2)

Cập nhật: Thứ bẩy 23/12/2017 - 18:19
  Đến thời điểm này, huyện Phú Bình mới triển khai chỉnh trang đồng ruộng được gần 100ha (đạt gần 50% kế hoạch).
Đến thời điểm này, huyện Phú Bình mới triển khai chỉnh trang đồng ruộng được gần 100ha (đạt gần 50% kế hoạch).

Thực tế, cánh đồng mẫu lớn đã hình thành ở nhiều địa phương trên cả nước và dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã phát triển thành phong trào trong những năm gần đây. Tại Thái Nguyên, từ khi triển khai đến nay, các cấp, ngành đã quan tâm chỉ đạo, song kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn..

Nhìn sang tỉnh bạn

Đầu năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại một số tỉnh phía Bắc. Theo đó, các địa phương đã triển khai DĐĐT thành công là Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, T.P Hà Nội… Để có được kết quả này, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thì sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng. Điều này được thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Tại Bắc Giang, kế hoạch DĐĐT nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua các văn bản như: Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục vận động nông dân thực hiện DĐĐT, tổ chức các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp; Nghị quyết Ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2016; Kế hoạch DĐĐT xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017-2018… Trên cơ sở đó, hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn được quy định theo từng mức cụ thể, từ 300-600 triệu đồng/cánh đồng mẫu với quy mô từ 10-50ha trở lên; hỗ trợ chi phí cấp, đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉnh trang đồng ruộng là 5 triệu đồng/ha;… Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí DĐĐT là 4 triệu đồng/ha; tùy từng loại giống lúa, rau màu trên cánh đồng mẫu mà có mức hỗ trợ từ 400 nghìn đồng -1,5 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón… Xã trích từ nguồn ngân sách xã để hỗ trợ kinh phí cho các thôn thực hiện.

Bên cạnh văn bản hướng dẫn, các tỉnh đều chọn từ 1 đến 2 huyện làm điểm trước khi nhân rộng. Đơn cử như năm 2011, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo làm điểm tại hai xã Vũ Bản (Bình Lục) và Nhân Khang (Lý Nhân) với tổng diện tích là 23,6ha. Tại Hưng Yên, từ cuối năm 2015 đã hoàn thành DĐĐT ở huyện Phù Cừ. Cùng với đó là sự nỗ lực của chính quyền để minh chứng cho người dân những lợi ích từ DĐĐT thông qua các chương trình hỗ trợ cụ thể như:Chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao giá trị hàng hóa; Kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa;... Tính đến đầu tháng 12, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 82/92 xã, thị trấn hoàn thành việc DĐĐT. Còn tại Thái Bình, DĐĐT đã trở thành một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định phê duyệt Đề án DĐĐT đất nông nghiệp, trên cơ sở đó, tổ công tác và các nhóm giúp việc được thành lập, trực tiếp xuống các huyện, thành phố và các xã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quá trình thực hiện DĐĐT ở các xã. Đồng thời, tỉnh ban hành hướng dẫn và biểu mẫu hướng dẫn công tác DĐĐT…

Thực tế ở Phú Bình

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Phú Bình, về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân thì huyện hoàn toàn có thể triển khai thành công Dự án, song sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không đạt tiến độ đề ra do thiếu nguồn lực.

Tại các tỉnh đã xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn cho thấy, để thực hiện được mô hình này tất yếu phải có một hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, đi kèm với đó là cơ chế, kinh phí, hỗ trợ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình hiện chưa có đề án riêng, mà chỉ là một nội dung trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020. Mặt khác, tính đến thời điểm này, UBND tỉnh mới chỉ đồng ý lập quy hoạch chi tiết Dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao” với tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng, kèm theo đó là hướng dẫn lập dự toán quy hoạch chi tiết. Tất cả các văn bản hướng dẫn hiện cũng chỉ dừng lại ở khâu lập quy hoạch. Còn lại, các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc DĐĐT và xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi trong vùng quy hoạch… hiện vẫn chưa có. Được biết, ngày 18-11-2017, huyện Phú Bình đã đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống đường bờ vùng, bờ thửa, kênh tưới, kênh tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã quy hoạch với kinh phí dự ước 8,7 tỷ đồng. Tiếp đó, tỉnh đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, UBND huyện Phú Bình tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết theo đề nghị của huyện, đồng thời yêu cầu các sở báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-12-2017. Tuy nhiên, đến nay, đề nghị này của huyện vẫn chưa được xem xét thực hiện.

Mong  được tiếp sức

Hiện tại, huyện và 3 xã thí điểm mới chỉ hoàn thành được các nội dung bước đầu. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: Hệ thống đường giao thông, cống tiêu, kênh tưới… mới bắt đầu thực hiện, riêng xã Úc Kỳ mới khởi công từ đầu tháng 12 vừa qua. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Úc Kỳ cho biết: Kinh phí đang là “rào cản” lớn nhất đối với xã trong quá trình thực hiện. Với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha cho Ban Chỉ đạo xã, chủ yếu để phục vụ công tác tuyên truyền, chúng tôi phải khéo cân đối trong khi có quá nhiều việc cần thực hiện. Kinh phí cho đoàn đi tham quan học tập cũng phải trích từ nguồn này. Do vậy, mong muốn của địa phương là được cấp trên bố trí nguồn vốn để thực hiện.

Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã đồng thuận rất cao với phương án DĐĐT. Do vậy, thời gian vật chất còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hiện như thế nào. Huyện rất mong nhận được sự chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp, ngành; đề nghị các sở, ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể, từ kinh phí hỗ trợ cho tới khung áp dụng để quá trình DĐĐT được dễ dàng, thuận lợi hơn…

Như vậy, ngoài vấn đề kinh phí, việc tổ chức thực hiện DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu hướng dẫn bằng văn bản cụ thể đối với công tác sau quy hoạch. Thực trạng đó cho thấy, nếu tiếp tục để huyện tự “tìm đường” thì việc Dự án không hoàn thành mục tiêu và thời hạn sẽ xảy ra. Để hiện thực Dự án, người dân mong muốn sự quan tâm nhiều hơn nữa của tỉnh, các sở ngành liên quan; đồng thời có sự chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, đi kèm là kinh phí hỗ trợ chi tiết để huyện có kế hoạch triển khai, đẩy nhanh tiến độ.

Ánh Ngọc - Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: