Vượt khó trong công tác thi hành án dân sự

Cập nhật: Thứ tư 15/05/2019 - 09:49
  Cán bộ Chi cục THADS T.P Sông Công họp bàn để tham mưu thực hiện cưỡng chế thi hành án.
Cán bộ Chi cục THADS T.P Sông Công họp bàn để tham mưu thực hiện cưỡng chế thi hành án.

Ngoài phần dân sự của hàng nghìn vụ án hình sự cần phải thi hành thì số vụ án dân sự có hiệu lực pháp lý chuyển cho ngành Thi hành án Dân sự (THADS) của tỉnh cũng tăng theo từng năm. Vụ việc cũ chuyển tiếp chưa giải quyết dứt điểm, việc mới tăng, trong khi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nên buộc các cơ quan THADS trong tỉnh phải xác định rõ mức độ cấp thiết của từng nhiệm vụ cụ thể để ưu tiên giải quyết…

Đến thời điểm hết tháng 4-2019, ngành THADS tỉnh đã thụ lý 9.041 việc với tổng số tiền cần phải thi hành trên 506 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc cũ thụ lý từ những năm trước chuyển sang là 4.127 việc với số tiền cần phải thi hành trên 346 tỷ đồng. Qua 6 tháng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (niên giám ngành THADS triển khai công tác chuyên môn từ ngày 1-10 hàng năm), các cơ quan THADS trong tỉnh mới giải quyết xong 3.818 việc với số tiền gần 32 tỷ đồng (đạt 10,17% kế hoạch). Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, ngành THADS tỉnh cần phải giải quyết trên 5.000 việc còn lại (chưa kể việc thụ lý mới được chuyển sang từ cơ quan tòa án). Để giải quyết được 100% số vụ việc đã thụ lý là nhiệm vụ khó khả thi vì chỉ tiêu ngành THADS tỉnh đưa ra trong năm 2019 là giải quyết xong 73,5% về việc và 33% về tiền.

Để công tác THADS được thực hiện hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và đạt mục tiêu đề ra, ngành THADS tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Cụ thể như: Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổng Cục THADS (Bộ Tư pháp) giao; hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án hành chính; tiếp tục thực hiện Luật THADS và các văn bản hướng dẫn của cấp trên; nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động THADS; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong THADS; xây dựng đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và truyền thông báo chí; cải cách hành chính trong các cơ quan THADS; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan THADS 2 cấp trong tỉnh… Trên cơ sở kế hoạch trọng tâm trong năm, 10 cơ quan THADS trong tỉnh đã triển khai nghiêm túc để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. 

Ban lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã, đang làm việc với cấp ủy, chính quyền 9 huyện, thành, thị để phối hợp thực hiện nghiêm túc Luật THADS và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, qua làm việc, lãnh đạo Cục THADS tiếp thu ý kiến kiến nghị của Ban Chỉ đạo THADS 9 huyện, thành, thị để báo cáo Ban Chỉ đạo THADS của tỉnh và Tổng Cục THADS xem xét giải quyết các vấn đề về pháp lý phát sinh, điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác này. Các cơ quan THADS trong tỉnh cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả, giảm tình trạng tồn đọng vụ việc, như: Khoán việc cho chấp hành viên; phối hợp với các cơ quan trong Khối Tư pháp 2 cấp để tổ chức xét miễn, giảm THADS cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; ký kết quy chế phối hợp với cơ quan toà án 2 cấp của tỉnh trong việc hỗ trợ thu các loại án phí theo quy định… nên đã giải quyết được hàng nghìn vụ việc tồn đọng.

Tuy nhiên, đội ngũ chấp hành viên và lực lượng cán bộ hỗ trợ cho công tác THADS còn chưa tăng tỷ lệ thuận so với số vụ việc phải thụ lý hàng năm nên tình trạng quá tải tại các cơ quan THADS trong tỉnh vẫn xảy ra thường xuyên. Nhất là tại các địa bàn trong tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh; địa giới hành chính rộng, như: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, huyện Đại Từ… Hiện nay 1 chấp hành viên của một số cơ quan THADS trong tỉnh phải thụ lý, giải quyết gần 250 vụ việc/năm. Cá biệt, có nơi chấp hành viên phải đảm nhận giải quyết tới 400 vụ việc/năm. Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Chi cục THADS T.P Thái Nguyên cho biết: Là trung tâm hành chính của tỉnh với 32 phường, xã nên số vụ việc cơ quan THADS phải thụ lý và số tiền phải thi hành rất lớn. Mặc dù đội ngũ cán bộ của đơn vị đã rất nỗ lực nhưng tình trạng tồn đọng vụ việc vẫn xảy ra, nhất là áp lực đối những chấp hành viên trẻ, chấp hành viên cao tuổi.

Khó khăn nữa đối với ngành THADS của tỉnh là kết quả thi hành về tiền hiện rất khó khăn và đạt kết quả thấp. Nguyên nhân là trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ án hình, dân sự liên quan đến tín dụng “đen”, vay vốn tại ngân hàng thương mại với số tiền nhiều tỷ đồng nhưng không có khả năng thanh toán. Do vậy, năm 2019, ngành THADS tỉnh chỉ đề ra kế hoạch giải quyết xong 33% về tiền trong tổng số 506 tỷ đồng cần phải thi hành. Đồng chí Ân Văn Ngọc, Chi cục THADS T.P Sông Công cho biết: Trong số 62 tỷ đồng án tín dụng chúng tôi phải thi hành thì nhiều tài sản thế chấp bán đấu giá tới vài lần vẫn chưa có tổ chức, cá nhân mua. Cá biệt, có tài sản ngân hàng định giá 15 tỷ đồng nhưng phải giảm giá tới 5 lần và số tiền thu về chỉ còn trên 5 tỷ đồng…

Ngoài ra, còn một số đương sự trong các vụ án dân sự phải thực thi quyết định hoặc bản án của toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng cố tình chây ì, lợi dụng quyền dân chủ để khiếu nại, tố cáo tới nhiều ngành, vượt cấp nhằm kéo dài quá trình thi hà nh án, thoái thác trách nhiệm buộc ngành THADS phải lên kế hoạch cưỡng chế kê biên, cưỡng chế thi hành án nên mất nhiều thời gian, cần tập trung lớn lực lượng để bảo vệ.

Có nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng với sự quan tâm của Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, cấp huyện nên tập thể cán bộ của các cơ quan THADS trong tỉnh đã, đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm chuyên môn được giao, từng bước giảm thiểu lượng án tồn đọng trong năm 2019 chuyển sang năm 2020.

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: