Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự
VKSND huyện Đại Từ trực tiếp tiến hành kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an huyện. |
Nhằm bảo vệ quyền con người, đảm bảo hoạt động giam, giữ và thi hành án hình sự đúng pháp luật, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh đã chú trọng công tác kiểm sát, nắm bắt tình hình và ban hành các kiến nghị phù hợp. Qua đó, góp phần không để xảy ra tình trạng oan sai, các chế độ, quyền lợi được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, số trường hợp bị bắt, tạm giữ trong toàn tỉnh là 762 người; tổng số người bị tạm giam là 1.451 người. Tỉnh Thái Nguyên không có trường hợp bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ. Công tác quản lý người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và phân loại, tổ chức giam giữ phạm nhân, người tạm giữ, tạm giam cơ bản đúng quy định của pháp luật; không xảy ra vụ việc đánh đập hoặc dùng nhục hình đối với phạm nhân.
Để đảm bảo các quy định được thực hiện đúng, đủ, VKSND tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, VKSND cấp huyện phân công kiểm sát viên hằng ngày tiến hành kiểm sát người bị tạm giam, tạm giữ; hằng tháng và quý kiểm sát trực tiếp một số mặt hoặc toàn diện với Trại tạm giam Công an tỉnh và có kết luận bằng văn bản.
Khi xảy ra trường hợp đối tượng bị tạm giữ, tạm giam trốn, chết, phạm tội mới hay có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, VKSND tỉnh đều kịp thời báo cáo và tiến hành kiểm sát đột xuất, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Với nội dung kiểm sát thi hành án hình sự, Ngành thực hiện đủ các cuộc kiểm sát định kỳ và tăng cường kiểm sát đột xuất; tập trung phát hiện các vi phạm trong công tác quản lý giam giữ, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người chấp hành án; đảm bảo 100% bản án có hiệu lực của Toà án được thi hành đúng thời hạn và pháp luật.
Một ví dụ tiêu biểu là trong tháng 5 vừa qua, VKSND huyện Đại Từ và VKSND TP. Sông Công phối hợp với Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp đã trực tiếp kiểm sát toàn diện việc tạm giữ, tạm giam trên địa bàn. Nội dung kiểm sát gồm: Hồ sơ, các tài liệu liên quan đến việc quản lý giam giữ và thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; gặp hỏi một số người bị tạm giữ, tạm giam.
Theo đánh giá, về cơ bản, việc lập, quản lý hồ sơ, thủ tục đưa người vào nhà tạm giữ đúng quy định; không có trường hợp nào quá hạn tạm giữ, tạm giam; không để xảy ra trường hợp trốn hay vi phạm nội quy phải xử lý kỷ luật. Việc thực hiện các chế độ ăn, mặc, cấp phát tư trang, chăm sóc y tế, thăm gặp… được thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các đoàn cũng đề nghị khắc phục một số thiếu sót về quản lý hồ sơ, sổ sách.
Bà Đỗ Thị Ánh Vân, Trưởng phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án, VKSND tỉnh, thông tin: Trong 6 tháng đầu năm nay, VKSND cấp huyện đã tiến hành kiểm sát 18 cuộc với các nhà tạm giữ, tạm giam; ban hành 18 kết luận, 12 kiến nghị được chấp nhận. Một số hạn chế đã được kiến nghị khắc phục, như: Đảm bảo chỗ nằm tối thiểu cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định; chưa có buồng kỷ luật; lệnh trích xuất bị can không ghi đầy đủ chức vụ, cấp bậc của người làm nhiệm vụ áp giải; còn tình trạng mang đồ vật bị cấm vào buồng tạm giữ. VKSND tỉnh trực tiếp kiểm sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh; ban hành kết luận, kiến nghị yêu cầu khắc phục việc cung cấp đủ nước sinh hoạt, đảm bảo diện tích chỗ nằm cho người bị tạm giam. Đồng thời , kiểm sát chặt chẽ việc thi hành án hình sự đối với bản án của Toà và tại Trại giam Phú Sơn 4.
Bên cạnh tăng cường hoạt động kiểm sát, VKSND hai cấp trong tỉnh cũng chú trọng tham gia các cuộc họp; kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu việc lập hồ sơ xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, tiêu chuẩn, thủ tục, điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; tha tù trước thời hạn có điều kiện; hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. VKSND cấp huyện xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm sát cơ quan Thi hành án hình sự, Tòa án, UBND xã, phường, thị trấn trong việc thi hành án treo, phạt cải tạo không giam giữ, án phạt quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú tại địa phương…