Nghị lực của những “cô Tấm”

Cập nhật: Chủ nhật 03/07/2022 - 10:01
 Hoàng thị Yến (ngoài cùng bên phải) trong giờ học môn Kí sinh trùng.
Hoàng thị Yến (ngoài cùng bên phải) trong giờ học môn Kí sinh trùng.

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, “Tấm Cám” là câu chuyện đời mồ côi mẹ của cô bé tên Tấm. Trải bao kiếp luân hồi Tấm mới được đoàn viên cùng chồng là đức vua trị vì thiên hạ. Còn “ngày nảy ngày nay” có rất nhiều cô Tấm giàu nghị lực, không đợi “kiếp lai sinh”, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Có rất nhiều lý do để một em bé trở thành trẻ mồ côi. Người ta nhặt được em trước cổng bệnh viện, bên thùng rác, trong nghĩa trang khi mới vài ngày tuổi. Em bị đẩy ra đường vì hậu quả của một cuộc tình không trọn vẹn. Những trẻ mồ côi tôi gặp ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh có hoàn cảnh na ná như thế.

Nhưng cô bé Hoàng Thị Yến lại hoàn toàn khác. Bố mất sớm, mẹ mất do tai nạn giao thông, nhà nghèo, anh trai bị tàn tật sống dựa vào ông bà nội, còn Yến được gửi vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Năm đó em 12 tuổi. Ngơ ngác, bơ vơ… em thấu hiểu cảm giác cô đơn khi đến trường chứng kiến chúng bạn được bố mẹ đưa đón, còn mình lủi thủi đi, về với những trẻ mồ côi cùng ở Trung tâm.

Bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Thương lắm! Chúng tôi cũng chỉ biết bù đắp cho các cháu bằng tình yêu thương, trách nhiệm như con đẻ của mình. Mừng là Yến vượt qua được tự ti, mặc cảm, có lại sự hồn nhiên con trẻ. Bản thân Yến cũng không ngừng nỗ lực vươn lên, năm 2020 em đỗ thủ khoa ngành Y học Dự phòng, Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Chưa dừng ở đó, năm 2021 Yến thi đỗ ngành Y khoa của Trường này.

Yến chia sẻ: Mẹ Hường và những người mẹ ở Trung tâm đã cho em cuộc đời. Em luôn tự răn mình phải phấn đấu học tập thất tốt, để sau này có cơ hội báo đáp công ơn các mẹ bằng cách tham gia những hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Trong dòng đời vô thường, tôi chắc chắn Yến là một trong những trường hợp may mắn. Bởi thực tế, có rất nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ phải nương tựa vào ông bà nội ngoại tuổi cao, không còn sức lao động. Nên còn nhỏ tuổi, nhưng các em đã như một lao động chính trong nhà.

Ngô Thị Thu Hiền, 16 tuổi, xóm Ấm, xã Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), là một trường hợp như thế. Từ nhỏ, Hiền đã biết tự chăm sóc bản thân, chịu khó giúp đỡ ông bà công việc đồng áng. Lớn hơn chút xíu, Hiền tranh thủ chạy chợ, tiền kiếm được em dành một phần đưa ông bà lo thuốc thang, phần còn lại mua sách vở, đồ dùng học tập.

Bận rộn là thế, song chưa bao giờ Hiền trễ nải học hành. Các bạn cùng lớp yêu mến, coi Hiền như một tấm gương vượt khó trong học tập, rèn luyện.

Còn Nguyễn Thu Quỳnh, 22 tuổi, xóm La Đành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), lại sống cùng bà nội 80 tuổi. 2 bà cháu nương tựa vào nhau, chăm lo cho nhau. Dù hoàn cảnh lúc nào cũng khó, nhưng 2 bà cháu chưa bao giờ phó mặc cuộc đời cho số phận đưa đẩy.

Vâng lời bà, Quỳnh chăm chỉ làm lụng, chịu khó học tập, trở thành sinh viên lớp Cao đẳng mầm non K16, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Không chỉ cố gắng vươn lên trong học tập, Quỳnh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Nhà trường. Quỳnh chia sẻ: Đời em thấu khổ vì thiếu tình thương yêu của cha mẹ. Sau này được làm cô giáo trông trẻ, em nguyện dành hết tình yêu thương của mình cho các con.

Quỳnh nói chuyện hồn nhiên như cuộc đời chưa bao giờ gặp bão tố. Tôi biết những trẻ mồ côi sau thời gian suy sụp, gượng đứng dậy thì vững chãi, tự tin, cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, cách sống tự lập cao và cũng có tình cảm sâu sắc hơn rất nhiều so với những trẻ được cha mẹ cưng chiều.

Tôi không biết ở tỉnh Thái Nguyên có bao nhiêu trẻ mồ côi. Nhưng qua số liệu tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Hiện toàn tỉnh còn hơn 3.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp; hơn 23.300 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; gần 18.000 trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Riêng TP. Phổ Yên, một đô thị mới, sầm uất, tấp nập, có 334 trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó 39 trẻ mồ côi và 2 trẻ bị bố mẹ bỏ rơi. Hầu hết trẻ mồ côi đều được ông bà, họ hàng thân thích cưu mang. Còn trẻ bị cha mẹ từ chối trách nhiệm, chính quyền địa phương phải làm thủ tục pháp lý gửi vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội nuôi dưỡng.

Trở lại với câu chuyện của những cô Tấm giàu nghị lực, tôi còn nhớ nguyên hình ảnh bé Đào Thị Hải Yến, 15 tuổi thì đã 12 năm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngày mới cắp sách đi học, bé lầm lụi đi, lầm lụi về. 3 tuổi ông bà ngoại đón về nuôi, nhưng bà bị bệnh thoái hóa cột sống, ông bị tai biến nằm một chỗ. Sau gần 4 năm, em được dì ruột đến xin phép ông bà đón về nuôi, coi như con đẻ. Nhà dì ở Khu tập thể Tiểu đoàn 23-BTM-Quân khu 1, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên). Cảnh nhà dì chưa hết khó, nhưng chí ít thì Yến cũng có cơ hội tiếp tục đến trường. Và Yến đã không phụ công dì, các năm học đều đạt học sinh Giỏi.

Giữa dòng đời náo nhiệt, có những thứ không ai mong muốn lại đến bất thình lình - đó là tai họa, như: Tai nạn giao thông; bệnh tật hiểm nghèo… Một trong những lý do này khiến con đẻ của nạn nhân trở thành trẻ mồ côi. Gánh nặng cuộc đời dồn lên những người mang thiên chức ông bà ruột thịt. Nhưng không ít ông bà tuổi cao, sức yếu, nguồn thu nhập không biết cậy vào đâu vẫn phải “đèo bòng” thêm trẻ nhỏ.

Một lần bà Bà Phạm Thị Liễu, tổ 12, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), thở dài: Năm 2013 con trai, con dâu tôi bị tai nạn giao thông tử vong. 2 đứa con: Lớn lên 5, nhỏ mới 30 tháng tuổi trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi thân già, người mang nhiều thứ bệnh, không có nguồn thu nhập ổn định vẫn cố gắng đón các cháu về nuôi.

Tình thân làm mềm khúc ruột. Lời dạy của tiền nhân đến nay còn nguyên giá trị. Nhưng cũng có không ít người làm cha, làm mẹ chối bỏ trách nhiệm của mình trước núm ruột đau.

Ví như trường hợp cháu Thành Thị Ngọc Hoa, 15 tuổi, xóm Phú Dương 2, xã Dương Thành (Phú Bình). Bố còn sống nhưng không biết đang ở đâu. Ông bỏ đi khi Hoa chưa chào đời. Mẹ sớm mất nên em ở với ông bà ngoại. Thương cháu mồ côi, ông bà ngoại hết sức chăm lo, không để cháu bị thiệt thòi nhiều so với chúng bạn. Bù lại, năm học nào em cũng đạt học sinh giỏi xuất sắc, và từng giành giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện; giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Địa lý.

Còn một cô Tấm của thời nay tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là Phạm Thị Hoài, 21 tuổi, tổ dân phố Làng Lường, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), đang là sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Để có tiền trang trải cuộc sống, học tập, em tranh thủ ngày nghỉ, ngoài giờ học đi làm thêm.

Hoài chia sẻ: Đi làm, ngoài tiền công được nhận em còn tự trau dồi thêm cho mình kỹ năng sống. Hơn nữa, em hiểu hơn về giá trị của đồng tiền, về tình cảm cao đẹp của các nhà từ thiện thường xuyên quan tâm, chia sẻ vật chất, tinh thần với những cảnh đời mồ côi như chúng em…

Còn nhiều nữa những cô Tấm giàu nghị lực. Các em đã tự tìm được phép nhiệm màu thông qua học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên trở thành tấm gương sáng giữa cuộc đời bình dị.

Với các em: Bà tiên, ông bụt chính là người thay thế cha mẹ nuôi dưỡng, và trao cho em cơ hội làm chủ cuộc đời mình.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: