Và cuộc đời còn có thơ, ca
Tiết mục “Tình thắm duyên quê” của đội Chèo và Hát dân ca xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). |
Đến dự kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ thơ Hoa Sen xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), tôi bất ngờ về quy mô của chương trình. Tham dự không chỉ là hàng chục câu lạc bộ thơ của thành phố mà còn có Câu lạc bộ Hát then đàn tính tận Phú Đình (Định Hóa) xuống, bên Tân Trào (Tuyên Quang), Bắc Sơn (Lạng Sơn) sang và đặc biệt có đội Chèo và Hát dân ca của xã.
Suốt 4 tiếng đọc thơ, hát múa mê say, các “diễn viên” vẫn không muốn ngừng, các tiết mục liên tục được đăng ký với người dẫn chương trình. Bà Ngô Huyền Thanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Hoa Sen, nói nhỏ: Chúng tôi không chỉ là những nông dân cần cù chăn trâu hái chè mà còn rất đam mê văn hóa văn nghệ. Những dịp như thế này, chúng tôi luôn thấy thiếu thời gian để được thể hiện và xem nhau thể hiện.
Trong chương trình, tiết mục múa “Tình thắm duyên quê” của đội Chèo và Hát dân ca được khán giả nhiệt tình tán thưởng, gây ấn tượng mạnh với tôi bởi lối diễn mộc mạc nhưng không kém phần duyên dáng của các diễn viên hầu hết ở tuổi thất thập. Đó cũng là lý do khiến tôi quay lại Thịnh Đức lần nữa tìm gặp các thành viên của Đội.
Người tôi gặp đầu tiên là Đội trưởng Trần Thị Thái. Đã ở tuổi 85 và vừa trải qua bạo bệnh, bà Thái vẫn nhiệt thành chia sẻ với tôi về công việc của Đội. Trong nhà bà có các loại loa đài, âm ly, trang phục biểu diễn. Nói về lý do thành lập Đội, bà Thái thật thà: Thấy nhiều chị em thích hát chèo, tôi bảo: “Tớ lập đội chèo cho mọi người hát nhá”. Chúng tôi báo cáo Hội Người cao tuổi, được xã đồng ý, thế là ra mắt đội Chèo và Hát dân ca, tập tành với nhau từ năm 2017. Đội chúng tôi đa năng lắm: Chèo, dân ca, hát mới, khiêu vũ… chúng tôi “chơi” hết.
Được rèn luyện, trưởng thành từ đội ngũ thanh niên xung phong, bà Thái là hạt nhân văn nghệ quần chúng từ thời trẻ. Lúc làm diễn viên, lúc làm đạo diễn, đội văn nghệ của bà đi đến đâu mang giải thưởng về đến đấy. Ở tuổi 80 bà Thái còn đi học võ, được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam cấp Bằng chứng nhận trợ giáo cấp 2.
Ngồi quanh tôi trong nhà văn hóa xóm là những gương mặt lão nông. Hỏi chuyện, tôi biết tên các anh các chị: Anh Thìn, chị Lý, chị Ngân, chị Hiên, chị Hợi, chị Hội, chị Thuyết, chị Chín, anh Sáu… Có 3 cặp vợ chồng, 1 cặp chị em ruột cùng đam mê ca hát. Họ vừa nhờ người trông cháu, vừa lùa đàn trâu về chuồng hoặc sao xong mẻ chè để chạy đến đây, gương mặt ai cũng tươi rói nụ cười.
Bà Dương Thị Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thịnh Đức, nhận xét: Các thành viên của Đội rất nhiệt tình, họ bỏ tiền cá nhân ra thuê trang phục, dành thời gian tập luyện, sẵn sàng phục vụ các sự kiện khi có yêu cầu. Vừa đóng góp cho đời sống văn hóa của xóm làng thêm phong phú, vừa được thể hiện đam mê cá nhân, coi đó là niềm vui, liều thuốc tinh thần để sống trẻ, khỏe.
Đội Chèo và Hát dân ca của xã Thịnh Đức hiện có 27 thành viên, trong đó 15 người nòng cốt, còn lại là các cộng tác viên nhiệt tình. Cụ Nhàn, cụ Hanh, cụ Nụ, cụ Vui tuổi trên 80 vẫn cắp nón đi bộ vài cây số đến xem mọi người “vỡ” bài, biểu diễn. Anh em trong Đội cùng tìm kiếm tiết mục phù hợp, sắp xếp thời gian luyện tập, người này chỉnh sửa cho người kia, đạo diễn chính là “ông”… YouTube.
Tiết mục công phu nhất Đội dựng được là vở chèo “Suối giải oan” diễn 3 tiếng, gồm 20 nhân vật, nói về hành trình Vua Trần Nhân Tông lên tu ở núi Yên Tử. Ngoài hát chèo, họ còn múa hát nhạc mới, hát văn, quan họ, dân ca vùng miền. Khi tôi đề nghị được nghe hát, mỗi người rút trong túi ra một cái USB nhạc beat chuẩn bị sẵn, cắm vào loa thùng. Nhạc rộn ràng cất lên và cuộc vui bắt đầu.
Tâm sự với các diễn viên không chuyên này, tôi biết dù tuổi cao nhưng hầu hết họ là lao động chính trong gia đình. Ông Sáu thật thà kể đang “phụ trách” 4 con trâu và… 6 đứa cháu. Vợ chồng ông Thìn thì “phân công” mỗi người ở với một đứa con cho dễ bề đỡ đần. Công việc nhà nông ngập đầu nên họ thường tập vào buổi trưa, đến gần ngày diễn thì thêm vài buổi tối. Chị Lý tâm sự: Chúng tôi thuê quần áo, mua son phấn, đóng góp thăm hỏi, ăn uống… bỏ tiền túi ra hết. Nông thôn bây giờ kiếm tiền không khó, một buổi đi hái chè thuê, cấy thuê là đủ đóng góp.
Ra đời trước đội Chèo và Hát dân ca là Câu lạc bộ thơ Hoa Sen. 10 năm với 3 tập thơ ra đời đủ thấy người nông dân ở đây yêu thơ ca đến thế nào. Tự nhận là “thi sĩ của đồng quê”, những vần thơ của họ chất phác, mộc mạc như hạt lúa củ khoai, giàu tình yêu thương gia đình, quê hương.
Cầm trên tay các tập thơ của 33 thành viên câu lạc bộ, tôi dễ dàng “nhặt” ra những câu thơ đậm chất thôn quê: “Nghĩa tình hàng xòm dài lâu/Tắt đèn tối lửa muối dầu sẻ chia” (Nguyễn Quang Tuân); “Hàng cây soi bóng bên đàng/Nương chè xanh ngát ngỡ ngàng khách du” (Minh Đức)… Tôi cũng dễ dàng thấy cảnh sắc quê hương Thịnh Đức qua con mắt của người yêu quê: “Mùa hoa xoan em mang màu áo tím/Cuối tháng Ba tiếng chim ca ngọt lịm/ Thánh thót sau vườn náo nức đợi bình minh” (Thương Huyền); “Quê tôi nửa núi nửa đồng/Chè xanh ngô thắm trập trùng lúa reo” (Nghiêm Thị Thuyết)…
Thơ của nhiều hội viên Câu lạc bộ được chọn đăng trên Tạp chí Văn nghệ, trong tuyển thơ 10 năm của Hội Văn nghệ tỉnh, trong tuyển tập thơ của nhiều tổ chức hội. Có tác giả thơ như chị Huyền Thanh còn tham gia thi sáng tác nhạc và được Hội Âm nhạc Việt Nam trao giải Ba.
Trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và ra mắt tập 3 “Thơ và đời”, ông Nguyễn Hoàng Sinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tự nhận: “Bàn tay chúng tôi cầm liềm cầm hái, nét viết có khi còn nguệch ngoạc. Thơ của chúng tôi không cao siêu, hoa mỹ, tân kỳ mà chân chất như cuộc đời chúng tôi vậy”. Tự tin bình thơ, đọc thơ, các thi sĩ nông dân hồn nhiên bày tỏ tình yêu của mình với gia đình, người thân, chòm xóm. Sự thành thực của họ lan tỏa đến người nghe, đến bạn thơ xa gần. Các câu lạc bộ thơ của tỉnh và thành phố như: Tháng Năm, Mùa Thu, Sông Cầu, Hương Chè, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ… cũng hào hứng góp thơ, ngợi ca đời sống đầm ấm của vùng quê Thịnh Đức.
Có được không khí sáng tác và thưởng thức thơ ca sôi nổi như thế phải kể đến công sức của chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Hoàng Sinh. Là người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam (1972-1977), là giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, vùng cảm xúc của ông chủ yếu về cây súng và cây bút. Ông mới cho ra mắt tập thơ “Cảm ơn cuộc đời” gồm 109 bài thơ. Những năm tháng đối mặt với hiểm nguy sống chết nơi chiến trường, trái tim thi sĩ vẫn run rẩy trước nhánh lan rừng được tặng bởi một thiếu nữ Lào. Ông mang nhánh lan theo khắp các ngả đường chiến dịch. Đến hôm nay, giò lan rừng ấy vẫn nở thắm vườn nhà. Mỗi lần hoa nở, ông lại mời bạn tri kỷ đến nhà uống cà phê, ngắm hoa, ôn kỷ niệm. Tình yêu thơ và lòng nhiệt thành với công việc chung của ông Sinh là động lực quan trọng để các thành viên Câu lạc bộ thơ Hoa Sen nuôi dưỡng ngọn lửa bền bỉ với thơ.
Mươi năm về trước, Thịnh Đức được coi là “vùng quê hẻo lánh” của thành phố Thái Nguyên. Đường đi lối lại khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, nhân dân Thịnh Đức đồng lòng cùng Nhà nước đối ứng, hiến đất làm mới, nâng cấp các trục đường chính. Năm 2016, Thịnh Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hôm nay nói đến Thịnh Đức là nói đến vùng chè sạch, rau an toàn, vùng chuyên canh hoa, quất cảnh, cây ăn quả. Nói đến Thịnh Đức là nói đến đời sống tinh thần sôi nổi với những câu lạc bộ văn hóa, thể thao thu hút hàng trăm người tham gia.
Cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao khi chỉ có “cơm ngon và áo đẹp”. Mộc mạc hồn nhiên như hạt thóc, búp chè, các thành viên đội Chèo và Hát dân ca cùng Câu lạc bộ thơ Hoa Sen đã góp thêm luồng gió tươi trẻ, ngọt ngào vào đời sống tinh thần của xã thuần nông Thịnh Đức.