Vào Ba Vũng hôm nay
Ông Phạm Xuân Cường nói về Ba Vũng. |
Sáng 9-9-2022, tôi ngồi uống trà tại nhà ông Phạm Xuân Cường, cùng mấy bác nông dân xóm Ba Vũng, xã Tân Cương. Chuyện trà dư tửu hậu khó dứt, trong câu chuyện, bà con cứ nhắc bác Nguyễn Huy Thái, Trưởng Phòng Giáo dục và bác Phạm Xuân Đương, Chủ tịch UBND thành phố một thời đã vào với họ… Tôi kết bạn Zalo với anh Thái đang ở Hà Nội, nói rằng tôi đang ở Ba Vũng. Anh Thái cười vang, phấn khởi: “Ba Vũng xa đấy, gần đấy” á! Anh nói với bà con là tôi sẽ trở lại thăm nhé…
Vâng! Câu chuyện đã hơn 30 năm. Chủ tịch UBND, Trưởng Phòng Giáo dục thành phố Thái Nguyên giai đoạn ấy là anh Nguyễn Huy Thái và Nguyễn Chiếm Sơn, nhớ lại thì khoảng năm 1989 đến 1991.
Xóm Ba Vũng (sau đặt tên là xóm Tân Thái) có một lịch sử khá đặc biệt. Ấy là bắt đầu từ năm 1973, chúng ta xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Núi Cốc, có 40 hộ dân với khoảng 200 người phải di chuyển từ vùng lòng hồ lên khu vực Ba Vũng để tái định cư. Ba Vũng là một thung lũng rộng lớn, trong đó lại có 3 lũng nhỏ; một góc là sông Công còn lại là núi cao bao bọc.
Về địa giới hành chính, lúc này thuộc xã Tân Cương, sau Tân Cương thuộc thành phố Thái Nguyên. Có điều, từ trung tâm xã muốn vào Ba Vũng, con đường độc đạo là vượt dòng sông Công và dãy núi cao, có phần hiểm trở. Do điều kiện sống khắc nghiệt, bị o bế, một số gia đình mặc dù là dân gốc miền xuôi lam làm cũng đã không trụ nổi và rời đi nơi khác. Số còn ở lại sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo đói, không đường, không điện, không chợ búa, trạm xá, trường học… Ốm đau, thai sản có mỗi cách là khênh bằng võng, vượt núi mà ra xã Tân Cương hay Phúc Trìu.
Rồi tiếng kêu của bà con cũng vượt núi đến tai lãnh đạo. Một đoàn cán bộ do UBND thành phố lập, yêu cầu phải đến được Ba Vũng, đoàn cán bộ ấy ngoài lãnh đạo thành phố, có nòng cốt là ngành Giáo dục, anh Nguyễn Chiếm Sơn, Trưởng phòng là yếu nhân của đoàn, nhớ lại: Thời ấy, con đường từ trung tâm Thành phố vào đến cuối xã Tân Cương khó đi lắm, lổn nhổn, “ổ trâu”, “ổ voi”… đi như đánh vật. Chúng tôi bắt đầu cuốc bộ từ Trường PTCS xã, hồ hởi men theo xóm Soi Vàng, vượt sông Công rồi leo núi, luồn rừng vào Ba Vũng. Trong leo núi thì leo lên dễ hơn là leo xuống, mãi rồi cũng tới được trung tâm xóm.
Các cụ ta thường nói: ”Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (nghèo giữa thị thành chả ai hỏi đến/giầu nơi thâm sơn cùng cốc lại nhiều người đến chơi). Khổ nỗi, Ba Vũng lại nghèo đói. Chẳng khó khăn gì hơn trong việc quyết định phải làm gì giúp người dân Ba Vũng. Vì cái gì họ cũng chưa có, từ điện, đường, trường, trạm đến tình yêu quê hương nơi mình đang sống…
Hồi ấy chưa có khẩu hiệu “Không để ai phải ở lại phía sau” như bây giờ, nhưng anh Nguyễn Huy Thái cũng quán triệt rằng phải có ngay một lớp học nhiều lứa tuổi cho các cháu. Hổn hển leo núi trở về, câu chuyện tranh luận rồi bỏ lửng hôm ấy của đoàn chúng tôi là Ba Vũng xa hay gần? Tôi lấy ngay ý ấy làm tít cho bài đăng trên Báo Bắc Thái là “Ba Vũng xa đấy, gần đấy” và lý giải rằng: Xa với ai không vì dân và gần với những người làm công bộc có tâm. Bài báo được nhiều người đọc, nhớ lâu. Có người bảo: Đọc xong bài báo của Hữu Minh, uống hớp trà Tân Cương, hương vẫn thơm, vị vẫn ngọt đậm nhưng sau đó thấp thoáng vị đắng và chát…
Tôi đến trụ sở UBND xã Tân Cương vào sáng 8-9-2022 và được Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Cương Nguyễn Thị Mai Thanh tiếp chuyện.
Chị bảo: - Bây giờ nhà báo vào Ba Vũng rất đơn giản. Lần đầu tư nâng cấp đường giao thông gần đây nhất, mặt đường đã rộng ba bốn mét. Đường điện đã có từ lâu. Thế hệ lãnh đạo sau này nghe từ các Bí thư Đảng uỷ xã: Nguyễn Bá Học (1988-1993); Phạm Quốc Việt (1993-2010) nhắc nhiều đến Ba Vũng, trong đó có việc lãnh đạo thành phố, tỉnh vào tận nơi chỉ đạo…
Chị Mai Thanh cũng tâm đắc với ý định trở lại nơi này của tôi. Ở xã ngoài Phúc Trìu, tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Trần Tất Xuân và chị Nguyễn Thị Lộc. Anh Xuân năm nay đã 75 tuổi, bộ đội lái xe chiến trường, về ngành Giao thông tỉnh rồi nghỉ hưu. Chị Lộc là giáo viên ở Tân Cương, một thời gian vào dậy chính cái lớp học trong Ba Vũng.
Chị kể: - Giai đoạn đầu chưa có đường nhưng vẫn cấp tốc xây dựng một lớp học tại Ba Vũng, giải pháp tình thế để chống mù chữ giữa thành phố công nghiệp và đào tạo. Giáo viên thì chia gian khổ ra, mỗi người vào một tháng. Sau một số năm có đường xá rồi, học sinh tự đi ra trường xã, lớp học trở thành nhà văn hoá xóm… Anh Xuân nhiệt tình đưa đường và cùng tôi vào Ba Vũng.
Đường vào Ba Vũng hôm nay.
Tân Cương bây giờ rất phát triển, từ giao thông, nhà cửa, nương đồi, xưởng sản xuất. Chỉ dẫn địa lý đến thương hiệu chè Tân Cương có thể nói có trên toàn thế giới… Ai mùa Thu này vào đây thưởng trà, mua trà, chắc chắn có cảm xúc tươi mới.
Chúng tôi dừng xe trên đỉnh đèo, phía Đông là một vùng trung du bán sơn địa, con sông Cầu, sông Công như dải lụa uốn lượn trong gió thu, tầm mắt nhìn xa vài chục cây số. Phía Tây là thung lũng Ba Vũng, chè, rừng và những nhà mái bằng, mái ngói xi măng thấp thoáng. Cảm xúc trong tôi sau hơn 30 năm trở lại nơi này là thấy đẹp, thanh bình, trong lành mà chưa thấy sự giầu có để “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.
Trong ngôi nhà mái bằng hiên tây tuổi dễ ba chục năm của ông Phạm Xuân Cường, chúng tôi thưởng trà và nhắc nhớ chuyện xưa, chuyện nay. Thấy có khách, một vài hàng xóm cũng sang góp chuyện. Ông Thái, Ông Đương, nhà báo Hữu Minh được nhắc đến nhiều lần. Ông Trần Văn Dĩ, một nông dân có mặt ở Ba Vũng từ năm 1977 nói thế này:
- Những người vào Ba Vũng sớm là năm 1975, thời ấy khoảng 40 hộ, 200 nhân khẩu, di dân từ lòng hồ Núi Cốc. Ngót nửa thế kỷ, bây giờ Ba vũng cũng chỉ có 64 gia đình, bình quân mỗi nhà có đến 3 héc - ta đất ruộng, đồi, rừng, nguồn tư liệu sản xuất quý giá. Ông nhấn mạnh việc hồi sinh chỉ bắt đầu khi con đường được mở…
Ông Phạm Xuân Cường vào đây lớp đầu, năm 1975, gia đình không may mắn lắm vì bà vợ bệnh trọng đã mất, cho biết thế này: - Người dân Ba Vũng rất biết ơn các cấp đã cho mở đường, kéo điện nhưng bà con còn thiếu tri thức làm ăn nên lúng túng, nghèo khó vẫn đeo đẳng. Lớp trẻ lớn lên bỏ nhà đi làm công ty, thích ăn xổi hơn. Tuy không ly hương nhưng muốn ly nông. Ở chính nơi có đất, gió, nước của vùng tiểu khí hậu thiên phú cho cây chè Tân Cương nhưng bà con lại không mặn mà với cây chè nên diện tích co lại.
Bây giờ bao phủ Ba Vũng là một mầu xanh hanh hanh của cây keo, giá trị kinh tế thấp kém. Khao khát của người dân Ba Vũng bây giờ là ai đó bỏ công nghiên cứu, giúp họ một định hướng làm ăn sao cho cụ thể, trong đó phải có sự đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp mạnh thì mới mong đánh thức tiềm năng của Ba Vũng, từ Ba Vũng và từ Tân Cương.
Khác với cuộc lội bộ rời Ba Vũng hơn 30 năm trước, hôm nay tôi ôm vô lăng xe bốn chỗ rời Ba Vũng trong ngồn ngộn vân vi… Không! Tiềm năng của Ba Vũng phải nằm trong cương vực 15,6 cây số vuông của Tân Cương; chè phải chiếm tỷ lệ cao của Tân Cương chứ không chỉ 350ha như Tân Cương đang có. Ba Vũng (Tân Thái) phải là một xóm phát triển mạnh trong 12 xóm của xã này…
Tôi hạ kính xe nơi đỉnh đèo, làn gió thu thổi vào xe mát rượi. Gió đem theo câu chuyện kể về Ba Vũng xưa và một thung lũng du lịch sinh thái đang hiện hữu ở Tân Cương. Gió kể chuyện đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh, thành phố vào Ba Vũng. Gió kể về những thanh niên khuyến nông, thanh niên làm văn hoá, quy hoạch đã giúp cho Ba Vũng rất gần.