Cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Cập nhật: Thứ hai 13/06/2022 - 06:31
 Hiện nay, các công chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh không chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính mà còn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức mở tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hiện nay, các công chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh không chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính mà còn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức mở tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của Thái Nguyên đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước (xếp thứ nhất trong 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc), tăng 6 bậc so với năm 2020. Để hiểu rõ hơn về kết quả đã đạt được và những giải pháp nâng cao chất lượng CCHC trong thời gian tới, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết kết quả Chỉ số CCHC đạt được trong năm 2021 đã phản ánh như thế nào về những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Lực: Đây là năm thứ 5 liên tiếp Thái Nguyên cải thiện thứ hạng Chỉ số CCHC, tăng 48 bậc so với năm 2016. Điều này khẳng định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong CCHC, đặc biệt là sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện Chỉ số CCHC trong bối cảnh Thái Nguyên cùng với cả nước phải thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội,

P.V: Ông đánh giá như thế nào về các lĩnh vực, tiêu chí đạt điểm số tăng cao?

Ông Nguyễn Đức Lực: Nhìn chung, Chỉ số CCHC năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên có sự cải thiện đồng bộ, 5/8 lĩnh vực được cải thiện thứ bậc so với năm 2020.

Chỉ số về sự hài lòng của người dân (SIPAS) cũng đạt mức cao so với những năm qua, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, với 89,42%, tăng 1,76% và tăng 13 bậc so với năm 2020. Về thể chế, Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện đáp ứng yêu cầu vận động của kinh tế thị trường, hiệu quả thực thi pháp luật được nâng cao. Bộ máy các cơ quan hành chính của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện sắp xếp giảm 26 phòng thuộc sở và cơ quan tương đương, giảm 4 chi cục thuộc sở và 20 phòng thuộc chi cục, tỷ lệ giảm biên chế hành chính của tỉnh so với năm 2015 đạt 15%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số. Điển hình như: Triển khai Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh và một số địa phương (TP. Phổ Yên, TP. Sông Công); đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng C-ThaiNguyen, nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4…  

CCHC đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, thu ngân sách đạt 146,5% so với kế hoạch giao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt 6,51%, cao hơn năm 2020 là 2,33%; cấp chứng nhận đầu tư đối với 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 110,6 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm của tỉnh tăng 15,93% so với năm 2020.

P.V: Từ những kết quả đạt được, tỉnh có giải pháp, kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lực: Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các nội dung Chương trình CCHC, phấn đấu vươn lên thuộc nhóm A, đạt từ 90 điểm trở lên và xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Để đạt được mục tiêu này, việc thứ nhất, Sở Nội vụ tổ chức phân tích kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ ra được hạn chế, từ đó tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện điểm số cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ hai là bám sát chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình CCHC của tỉnh giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022; đảm bảo mọi nguồn lực cho công tác CCHC; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thứ ba là thực hiện đồng bộ việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các quy định của Chính phủ về đổi mới sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Thứ năm, đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: