Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra

Cập nhật: Thứ hai 11/04/2022 - 07:39
 Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật các thông số về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm… để đưa ra các bản tin cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật các thông số về nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm… để đưa ra các bản tin cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Là địa phương có địa hình phức tạp, cộng với hệ thống sông suối, hồ đập khá dày nên Thái Nguyên thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai như: Lũ, lũ quét, lốc, sét, mưa lớn, sạt lở đất… Bước vào mùa mưa lũ năm nay, để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh đã chủ động phương án ứng phó như thế nào? Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi.

P.V: Trước hết, ông nhận định như thế nào về tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa năm nay?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, trong tháng 4, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, sang tháng 5, dự báo tổng lượng mưa lại cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; từ tháng 6 đến tháng 8, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực biển Đông, tập trung vào nửa cuối tháng 7, sang tháng 8. Vì vậy, ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa, lũ… và trên sông Cầu sẽ xuất hiện các trận lũ nhỏ, vừa.

Do biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thiên tai năm 2022 dự báo có những diễn biến bất thường, trái quy luật và ngày càng cực đoan, mùa mưa có khả năng đến sớm nên người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá…

P.V: Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCTT-TKCN, việc kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng, chống thiên tai cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng.

Trong mùa mưa, lũ năm nay, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra tại các mỏ khai thác khoáng sản, các điểm khai thác mỏ vật liệu, các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất đá... Đồng thời, duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ để thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 178/178 xã, phường, thị trấn đã thành lập Đội xung kích PCTT cấp xã với hơn 12.900 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương và sẽ được huy động kịp thời để giúp các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.

P.V: Bên cạnh những nỗ lực để chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời, theo ông, công tác PCTT-TKCN hiện còn gặp khó khăn gì?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Trước hết, do tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, không theo quy luật. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, lúng túng, bị động và chủ quan khi có thiên tai xảy ra; chưa chủ động gia cố nhà ở, dẫn đến vẫn còn thiệt hại do mưa lớn, lốc gây ra; một số cầu tràn, ngầm tràn bị ngập sâu, sạt lở đất, đá vẫn xảy ra khi có mưa lớn.

P.V: Vậy, ông có đề nghị, khuyến cáo gì nhằm khắc phục hạn chế, góp phần giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Trong năm 2022, đề nghị chính quyền các địa phương cần chủ động và thường xuyên rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai đảm bảo sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường công tác tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở, có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức xử lý các tình huống ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhất là việc bố trí lực lượng xung kích tuần tra, canh gác tại các cầu tràn, ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, đặc biệt là khu vực bãi thải, các mỏ khai thác khoáng sản để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lương Hạnh (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: