Để đường đến trường an toàn hơn

Cập nhật: Thứ hai 26/09/2022 - 06:58
 Tham gia trả lời câu hỏi tình huống giúp các em học sinh có thêm kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Tham gia trả lời câu hỏi tình huống giúp các em học sinh có thêm kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó học sinh có liên quan tới 90% tổng số vụ. Liên quan đến vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong mùa tựu trường, Báo Thái Nguyên đã có buổi phỏng vấn Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh.

P.V: Trước hết, xin đồng chí đánh giá về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng vừa qua? Và những nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT cho học sinh khi tới trường?

Thiếu tá Chu Anh Tuấn: Trong 9 tháng qua, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được duy trì ổn định; TNGT giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông kéo dài không xảy ra; tình trạng ùn ứ tại các nút giao vào các giờ cao điểm cũng được hạn chế.

Mặt khác. tháng 9 cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới, học sinh tựu trường. Do đó, những tiềm ẩn những nguy cơ mất ATGT, gồm:

- Tình trạng mất ATGT tại các khu vực cổng trường: Vào giờ tan trường, nhiều phụ huynh đưa đón con em và bản thân các em học sinh cũng vi phạm luật giao thông (đỗ xe dưới lòng đường, lề đường; sang đường không quan sát...)

- Tình trạng học sinh được trang bị xe đạp điện và học sinh chưa đủ 18 tuổi được trang bị xe dưới 50 phân khối để đến trường khá phổ biến. Tuy nhiên, các em lại chưa được đào tạo về kỹ năng điều khiển xe, chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống bất ngờ, dễ gây tai nạn.

- Một số học sinh điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội nhưng không cài quai, chở quá số người, đi dàn hàng ngang.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng đáng lo ngại đó là tính cách của người điều khiển phương tiện, đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít có em khi đi xe đạp điện, xe máy điện thường có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường.

P.V: Để đảm bảo TTATGT trong mùa tựu trường, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường- Tháng 9/2021”. Nội dung này được lực lượng CSGT triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tá Chu Anh Tuấn: Ngay từ đầu tháng 9, Công an tỉnh đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường”. Theo đó, lực lượng CSGT tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tại các trường học; giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; phối hợp ký cam kết chấp hành quy định về ATGT giữa nhà trường, gia đình và học sinh; phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học; đặc biệt là xây dựng mới và duy trì mô hình cổng trường ATGT điểm tại Trường THPT Gang Thép và Trường Cao đẳng Thái Nguyên để tạo tính lan toả.

Cùng với đó, CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm TTATGT; phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông tại các khu vực cổng trưởng. Qua đó tình hình TTATGT trên địa bàn được duy trì ổn định.

P.V: Vậy, ngoài Tháng cao điểm, lực lượng chức năng cũng triển khai các biện pháp cụ thể nào để hạn chế tình trạng vi phạm và TNGT xảy ra đối với học sinh?

Thiếu tá Chu Anh Tuấn: Dữ liệu của CSGT và điều tra phỏng vấn học sinh cho thấy, “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này. Học sinh khi vi phạm quy định ATGT thường có biểu hiện trốn tránh lực lượng chức năng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác; khi bị bắt lỗi, thường không có giấy tờ xe hoặc được phụ huynh ứng cứu.

Để hạn chế tối đa vi phạm và TNGT ở lứa tuổi học đường, lực lượng CSGT Thái Nguyên đã phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đến các em học sinh, sinh viên vào các tiết học chính trị đầu khóa; hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông; phối hợp với nhà trường tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực cổng trường; nhà trường phối hợp với phụ huynh làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền cho phụ huynh không nên trang bị xe không phù hợp với các em học sinh.

Cùng với đó, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT như: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai, chở quá số người quy định; thực hiện việc thông báo các hành vi vi phạm của học sinh đến nhà trường...

P.V: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT luôn được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và văn hoá giao thông trong học sinh. Đồng chí có thể cho biết, nội dung này đã và sẽ tiếp tục được thực hiện ra sao?

Thiếu tá Chu Anh Tuấn: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, bởi nếu không may xảy ra TNGT thì sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Hiện nay, đa số các em học sinh từ THCS trở lên đã tự điều khiển xe tới trường. Do đó, lực lượng CSGT luôn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm mục đích giúp các em nhận biết nguy cơ, tác hại và hậu quả của TNGT, từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành luật và các quy định của luật giao thông; xây dựng văn hóa giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Riêng trong tháng 9 và tháng 10-2022, Phòng CSGT tổ chức 20 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá và nhiều chuyên đề tuyên truyền miệng, cấp phát tờ rơi về ATGT cho hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên tại các nhà trường. Ngoài ra, CSGT các cấp còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook...

Thời gian tới, lực lượng CSGT Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Tuyên truyền trực tiếp, sân khấu hóa, trình chiếu clip, triển lãm ảnh...; phối hợp với nhà trường xây dựng các mô hình tự quản về TTATGT, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học; phối hợp tổ chức cho giáo viên và học sinh ký cam kết chấp hành luật giao thông; hướng dẫn các em kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông…

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoài Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: