Đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư

Cập nhật: Thứ hai 11/07/2022 - 07:25
 KCN Điềm Thụy (Phú Bình) hiện cơ bản được lấp đầy với 99 dự án đã được cấp phép đầu tư, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 705 triệu USD và hơn 3.111 tỷ đồng. Ảnh: T.L
KCN Điềm Thụy (Phú Bình) hiện cơ bản được lấp đầy với 99 dự án đã được cấp phép đầu tư, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 705 triệu USD và hơn 3.111 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Những năm gần đây, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Để có cái nhìn tổng quan về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này.

P.V: Trước hết, xin ông cho biết về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2022 đến nay?

Ông Chu Văn Khanh: 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 19 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới. Trong đó, 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 320 triệu USD và 14 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký 5.225,69 tỷ đồng. Ngoài ra, có 10 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 1.204,7 triệu USD.

Trong bối cảnh khó khăn chung, Thái Nguyên vẫn duy trì vị trí tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư FDI. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 (sau Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh). Cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến gặp gỡ và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 172 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 10,3 tỷ USD và 840 dự án vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 147.074,9 tỷ đồng.

P.V:  Để đạt được kết quả trên, những giải pháp nào đã được tỉnh triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?

Ông Chu Văn Khanh: Sức hút đầu tư của Thái Nguyên không chỉ nằm ở vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại mà còn đến từ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh. Trong đó, yếu tố then chốt là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, cũng như triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính; xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức Chương trình trà - cà phê doanh nhân với chủ đề “Đồng hành doanh nghiệp - Kết nối thành công”; Chương trình gặp mặt và tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân tiêu biểu”; tổ chức đối thoại giữa Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh với các doanh nghiệp nhằm giải quyết, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án… Chính điều đó đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào Thái Nguyên.

P.V: Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay đó là chính sách ưu đãi đặc thù của địa phương. Vậy, khi doanh nghiệp đầu tư vào Thái Nguyên sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Khanh: Bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên luôn cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nhà đầu tư được hỗ trợ về mặt bằng thực hiện dự án; khuyến khích hoạt động khoa học - công nghệ; đào tạo nghề cho người lao động; miễn giảm thuế với doanh nghiệp mới…

Mặt khác, nhà đầu tư còn được giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất, giao đất và cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là cơ chế đặc thù riêng có của Thái Nguyên.

P.V: Với những chính sách ưu đãi hấp dẫn như như trên, tỉnh có cam kết gì đối với các nhà đầu tư?

Ông Chu Văn Khanh: Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể:

Thứ nhất, thành lập đường dây nóng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để thường xuyên tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ ba, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, cung cấp nguồn nhân lực có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.

Thứ năm, cam kết cung cấp đủ hạ tầng viễn thông, điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.

Thứ sáu, hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước...

P.V: Quan điểm xuyên suốt của Thái Nguyên là thu hút đầu tư có sự chọn lọc, đặc biệt không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Chu Văn Khanh: Đây là định hướng, chỉ đạo chung của Thái Nguyên và đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Theo đó, tỉnh xác định đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tỉnh kêu gọi nhà đầu tư nhưng cũng mang tính chọn lọc và phù hợp với đặc điểm, tiêu chí từng dự án, từng địa phương cụ thể, chứ không lựa chọn đại trà. Quan điểm xuyên suốt trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh là không đánh đổi nhiều dự án mà quên đi vấn đề môi trường. Do đó, những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, tiêu chí mà tỉnh đặt ra thì sẽ được lựa chọn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Ngọc – Phạm Hà (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: