Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải vẫn “án binh bất động”

Cập nhật: Thứ hai 25/07/2022 - 06:51
 Sau thời gian dài bù lỗ do giá dầu diesel tăng cao, hiện các hãng xe buýt chưa thể điều chỉnh giảm giá cước ngay.
Sau thời gian dài bù lỗ do giá dầu diesel tăng cao, hiện các hãng xe buýt chưa thể điều chỉnh giảm giá cước ngay.

Ngày 21-7 vừa qua, giá xăng, dầu giảm lần thứ 3 liên tiếp và tính từ ngày 1/7/2022, giá dầu diesel giảm hơn 5.000đ/lít, xăng giảm hơn 6.000 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước các loại hình vận tải chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Công ty Hà Lan), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh và tài xế Dương Văn Đông (hãng Taxi Phú Lương).

P.V: Khi giá xăng, dầu tăng, cước vận tải đã được điều chỉnh tăng theo. Vậy thời điểm này, khi xăng, dầu giảm giá, vì sao các doanh nghiệp, đơn vị, trong đó có Công ty Hà Lan, chưa điều chỉnh giảm cước, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Với phương tiện cá nhân thì khi giá xăng, dầu giảm, người dùng lập tức được hưởng lợi. Nhưng với doanh nghiệp, chúng tôi chưa thể điều chỉnh giảm giá cước ngay được. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng, dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng, với những mức giá kỷ lục. Chỉ tính riêng xăng RON 95, giá bán ngày 1/1/2022 không quá 23.295 đồng/lít nhưng đến ngày 21/6/2022 là 32.870 đồng/lít, nghĩa là tăng đến 9.575 đồng mỗi lít, tương đương hơn 40%. Với dầu diesel, mức tăng tương ứng từ 17.579 đồng/lít lên 30.019 đồng/lít, tăng 12.440 đồng mỗi lít, cao hơn 70% so với mức giá ở thời điểm đầu năm.

Trong khi đó, tình hình vật giá leo thang, mức lương trả cho người lao động, chi phí vận hành doanh nghiệp và các khoản chi khác cũng tăng. Tất cả những yếu tố này khiến các doanh nghiệp, đơn vị, người kinh doanh vận tải lao đao, thua lỗ. Riêng Công ty Hà Lan, 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp phải bù lỗ trên 10 tỷ đồng.

Về cơ cấu giá thành, mặt hàng xăng và dầu chiếm 30-40% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chính vì vậy, khi xăng, dầu tăng giá, chúng tôi bắt buộc phải tăng giá cước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nghe ngóng thông tin, đến khi giá xăng lên tới gần 30.000 đồng/lít thì mới tăng giá, bởi doanh nghiệp luôn muốn giữ chân, chia sẻ cùng khách hàng.

Phải nói thêm rằng, muốn tăng giá cước vận tải cũng không phải đơn giản, có thể làm "lúc, nhát". Khi xăng, dầu tăng giá ở mức cao so với kỳ trước, doanh nghiệp mới được đề xuất điều chỉnh và phải trình các thủ tục, đợi cơ quan chức năng phê duyệt. Vì vậy, chúng tôi không thể điều chỉnh ngay và luôn được.

Từ ngày 1-7 đến nay, giá xăng, dầu giảm, nhưng nhìn chung giá nhiên liệu vẫn còn ở mức cao, nhất là so sánh với mức giá ngày 1/1/2022. Nhằm chia sẻ với khách hàng, thời điểm hiện tại, Công ty Hà Lan đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, để khách hàng được hưởng dịch vụ tương ứng với giá cước. Thời gian tới, nếu giá xăng, dầu tiếp tục có điều chỉnh giảm, Công ty sẽ tính toán để có giá cước phù hợp nhất nhằm thu hút và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

P.V: Về vận tải hàng hóa, ông có ý kiến như thế nào đối với việc giảm giá cước tương ứng với giá xăng, dầu?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Hiện nay, cơ quan chức năng đang quyết liệt xử lý tình trạng quá tải, nên các phương tiện chở khối lượng hàng hóa thấp hơn trước rất nhiều. Điều này khiến cước vận chuyển/khối lượng hàng hóa tăng cao và đang về với giá trị thực của nó.

Tôi và chủ các doanh nghiệp, tài xế vận tải hàng hóa rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Chính phủ và các địa phương duy trì, kiểm soát thật chặt chẽ việc xử lý tình trạng quá tải, cơi nới thành, thùng xe, nhằm bảo đảm hoạt động vận tải hàng hóa diễn ra công bằng, đúng quy định pháp luật.

 

P.V: Cùng câu hỏi về vấn đề điều chỉnh cước vận tải khi giá xăng, dầu giảm, ông có quan điểm như thế nào, thưa ông Dương Văn Đông?

Ông Dương Văn Đông (hãng Taxi Phú Lương): Tôi đóng cổ phần bằng xe ô tô vào một hãng taxi nên chỉ phải đóng phí “mào” hằng tháng, cũng vì vậy, có thể nói tính chất công việc của tôi là “bán tự do”.

Với vấn đề giảm giá cước vận tải, tôi xin chia sẻ thế này: Mãi khi giá xăng lên tới hơn 30.000 đồng/lít, hãng taxi chủ quản mới đề xuất tăng giá cước, với mức tăng 15%. Doanh nghiệp tăng chậm là do "ngại" làm các thủ tục xin tăng giá và áp lực cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Thêm nữa, theo hình thức góp xe, hãng taxi không tăng lợi nhuận khi tăng giá cước, do mức đóng của tài xế chúng tôi vào hãng vẫn cố định hằng tháng.

Khi giá cước giảm, hãng lại “ngại” làm thủ tục như vậy, nên chúng tôi vẫn duy trì mức giá cước hiện tại. Tuy nhiên, với cá nhân, tôi đã tự động giảm theo từng cuốc xe và sẽ tự tính toán giảm giá cước tương ứng với giá xăng để giữ chân khách hàng.

Xin cảm ơn các ông!

Nhóm P.V (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: