Không đỗ lớp 10 công lập: Vẫn còn cơ hội cho học sinh

Cập nhật: Thứ hai 27/06/2022 - 07:30
 Năm học 2022-2023, Trường THPT Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) tuyển sinh 404 chỉ tiêu, trong đó có 5 học sinh được tuyển thẳng. Điểm chuẩn tuyển sinh của trường là 17,5 điểm. Trong ảnh: Giờ ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) tuyển sinh 404 chỉ tiêu, trong đó có 5 học sinh được tuyển thẳng. Điểm chuẩn tuyển sinh của trường là 17,5 điểm. Trong ảnh: Giờ ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12.

Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các trường THPT trong toàn tỉnh tuyển sinh 12.980 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. Như vậy, sẽ có khoảng 3.600 học sinh không có được “tấm vé” vào học các trường công lập. Sau khi các trường đồng loạt công bố điểm chuẩn vào lớp 10, không khí tuyển sinh trở nên “nóng” lên. Vậy không đỗ vào lớp 10 trường công lập, cơ hội nào dành cho các em học sinh? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về vấn đề này.

P.V: Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về quy chế tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Công tác tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện trên cơ sở các văn bản của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở các văn bản trên, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2022-2023.

Theo đó, đối với học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập sẽ phải dự thi 3 môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh; học sinh dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thi thêm các môn chuyên.

Việc xét trúng tuyển vào các trường THPT sẽ thực hiện theo điểm xét tuyển (Toán, Ngữ Văn: hệ số 2, Tiếng Anh: hệ số 1 và điểm ưu tiên) xếp từ cao xuống thấp đến khi đủ số lượng theo chỉ tiêu được giao. Các trường ngoài công lập tổ chức thi tuyển như trường công lập hoặc thực hiện tuyển sinh theo phương thức riêng được Sở GD&ĐT phê duyệt, có thể xét tuyển dựa trên kết quả thi của thí sinh đã dự thi ở trường THPT công lập hoặc xét tuyển theo học bạ.

P.V: Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, rất nhiều học sinh có điểm thi cao nhưng không thể “lọt” vào trường công lập, theo ông, nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm học 2021-2022 là 19.258 em. Số dự thi tuyển sinh vào các trường THPT là 16.721 em. Số học sinh trúng tuyển đợt 1 vào các trường THPT là 12.757 em và còn trên 200 chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2 của các Trường THPT Dương Tự Minh và Trường THPT Đào Duy Từ (do 2 trường này tuyển đợt 1 chưa đủ chỉ tiêu giao - P.V). Như vậy, nếu chưa tính số học sinh sẽ học tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) thì còn khoảng 3.600 học sinh không vào được các trường công lập.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào 1 trường THPT trên địa bàn huyện, thành phố nơi cư trú. Đối với thí sinh thi vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên hoặc Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (PTDTNT) có thể đăng ký nguyện vọng 2 vào các trường THPT thuộc địa bàn huyện, thành phố nơi cư trú. Nếu không đỗ trường chuyên hoặc Trường PTDTNT tỉnh, thí sinh được xét tuyển vào các trường theo nguyện vọng 2, bình đẳng như những thí sinh khác. Việc xét tuyển thực hiện theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp.

Các trường chưa tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu thì được phép tuyển bổ sung những học sinh đã đăng ký nguyện vọng tại các trường THPT khác nhưng chưa trúng tuyển. Việc tuyển bổ sung phải được công bố rộng rãi và công khai trên website của nhà trường. Sở GD&ĐT duyệt phương án tuyển sinh của các trường. Học sinh trúng tuyển phải có điểm xét tuyển không nhỏ hơn mức điểm chuẩn được công bố và không có bài thi nào bị điểm 0.

Tuy nhiên, do số lượng học sinh lớp 9 năm nay cao hơn năm trước (năm 2021 có 16.758 học sinh, năm 2022 có 19.258 học sinh tốt nghiệp lớp 9 - P.V), chủ yếu tập trung ở khu vực TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên nên khi số lượng thí sinh đăng ký vào các trường THPT Lương Ngọc Quyến, THPT Chu Văn An… cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao thì điểm chuẩn xét tuyển sẽ cao lên. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến một số học sinh có điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1.

Ngoài ra, việc lựa chọn trường dự tuyển của học sinh, nhiều em chỉ có nguyện vọng ở những trường nằm tại khu vực trung tâm, dẫn đến trên cùng địa bàn, có trường điểm chuẩn rất cao, có trường điểm chuẩn trung bình, thậm chí có trường tuyển không đủ chỉ tiêu giao, như Trường THPT Dương Tự Minh và Trường THPT Đào Duy Từ.

P.V: Thực tế ở một số nơi trong cả nước, từng có hiện tượng phụ huynh nhờ cậy để cho con có “vé” vào học các trường công lập. Vậy Sở GD&ĐT có giải pháp gì để chống tiêu cực trong công tác tuyển sinh?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Việc thực hiện xét tuyển vào các trường công lập là công khai theo điểm thi, xét tuyển theo điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu, do đó không có chuyện “nhờ cậy” để có thể được vào học.

Để ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra, Sở GD&ĐT đã xem xét kỹ kết quả để duyệt phương án tuyển sinh của các đơn vị, đảm bảo theo đúng nguyên tắc. Đồng thời thực hiện thanh kiểm tra công tác tuyển sinh của các đơn vị, nhất là việc thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển sinh. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị còn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh sau xét tuyển đợt 1, thực hiện xét tuyển đợt 2 theo đúng quy định để học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

P.V: Trên thực tế, không đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là các em học sinh không còn cơ hội để học tập. Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về đào tạo tại các trung tâm GDNN&GDTT, cũng như học nghề trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Trong những năm qua, Thái Nguyên luôn thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu đề ra là phấn đấu trên 40% học sinh THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Hiện nay, Thái Nguyên có 9 trung tâm GDNN&TDTX có đủ điều kiện để nhận học sinh vào học hệ GDTX. Ngoài ra, còn có các trường cao đẳng, trung cấp phối hợp với các trung tâm GDNN&GDTX có thể tiếp nhận các em học sinh tốt nghiệp THCS vào học, vừa học văn hoá (hệ GDTX) vừa học nghề.

Như vậy, những học sinh không đỗ vào lớp 10 các trường công lập còn có cơ hội để học tập tại các trung tâm GDNN&GDTX, các trường cao đẳng, trung cấp có hệ GDTX, đảm bảo đáp ứng nguyện vọng học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: