Nạn nhân da cam luôn cần sự giúp đỡ

Cập nhật: Thứ hai 08/08/2022 - 07:29
 Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thứ 2 từ phải vào) động viên nạn nhân CĐDC TP. Phổ Yên tại buổi khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (thứ 2 từ phải vào) động viên nạn nhân CĐDC TP. Phổ Yên tại buổi khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí ở địa phương.

Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam (10-8), phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và vận động nguồn lực xã hội để chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC.

P.V: Đồng chí có thể cho biết hậu quả của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam? Thái Nguyên phải gánh chịu di hại của chất độc hóa học này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Chiến tranh đã lùi xa hơn 47 năm, nhưng CĐDC/dioxin do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam trong 10 năm (1961-1971) đã gây ra hậu quả thảm khốc, lâu dài cả về môi trường và sức khỏe con người, khiến hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người trong số đó là nạn nhân CĐDC. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3.

Đối với Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện còn gần 14.000 người bị phơi nhiễm CĐDC, có 9.388 người đang được hưởng chế độ ưu đãi dành cho người có công, trong đó trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến có 8.110 người, con của người hoạt động kháng chiến có 1.278 người; còn hơn 4.500 người tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng đế quốc Mỹ phun rải chất độc hóa học, gần 1.300 người là con của những người này và gần 1.000 cháu, chắt (thế hệ thứ 3, thứ 4 của người hoạt động kháng chiến) chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.

P.V: Vậy đồng chí có thể cho biết kết quả cụ thể của công tác huy động nguồn lực xã hội để chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin của tỉnh trong những năm gần đây?

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Trong 5 năm (2018 đến hết tháng 6-2022), Quỹ Nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động ủng hộ được trên 34 tỷ đồng.

Qua đó, Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ gần 3,4 tỷ đồng cho 79 hộ làm nhà mới; hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng cho 96 hộ sửa nhà ở; tặng 86.647 suất quà nhân dịp lễ, tết, ngày 27-7 và ngày “Vì nạn nhân CĐDC” hằng năm, với tổng trị giá hơn 25 tỷ đồng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 5.000 lượt hội viên da cam, với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng; tặng 1.339 bộ sách giáo khoa và vở viết cho con, cháu nạn nhân, với tổng trị giá hơn 556 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị trong tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo, điều trị dài ngày tại bệnh viện cho 328 lượt nạn nhân, với tổng trị giá 842 triệu đồng; tặng 56 xe lăn, với tổng trị giá gần 210 triệu đồng; tặng 44 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 101 triệu đồng; thăm hỏi ốm đau 1.224 lượt nạn nhân, phúng viếng 460 hội viên và thân nhân qua đời với tổng trị giá hơn 745 triệu đồng.

Đặc biệt, từ nguồn Quỹ nội bộ do hội viên tự đóng góp và quản lý, tổ chức Hội cơ sở đã hỗ trợ cho 841 lượt gia đình nạn nhân CĐDC vay vốn phát triển sản xuất, với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Những kết quả trên đã góp phần thiết thực giúp cho nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống.

P.V: Để thực hiện tốt phương châm “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, ở cương vị lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, đồng chí có thông điệp gì gửi tới các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam"; đề xuất các biện pháp lãnh đạo củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội hoạt động, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân CĐDC”, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và nạn nhân; xác định công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ hàng đầu, là lương tâm, trách nhiệm và “thước đo” chủ yếu đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội; phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch vận động Quỹ hàng năm để có nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động nhằm thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Nhân đây, tôi cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thường xuyên quan tâm, phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác khắc phục hậu quả CĐDC/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; quan tâm chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028 đúng quy định; tạo cơ sở, tiền đề cho Hội hoạt động những năm tiếp theo có hiệu quả, đáp ứng tâm tư tình cảm của nạn nhân CĐDC, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do UBND tỉnh giao.

Xin cảm ơn đồng chí!

Phạm Ngọc Chuẩn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: