Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục quốc phòng - an ninh

Cập nhật: Thứ hai 05/09/2022 - 08:45
 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên thực hành kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK bài 1.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên thực hành kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK bài 1.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho cho sinh viên trên địa bàn, Trung tâm Giáo dục QP-AN (Đại học Thái Nguyên) đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, bảo đảm gắn lý thuyết với thực hành; đặc biệt là tăng cường các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm để tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học viên.

Giờ thực hành nội dung kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK bài 1 được các sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên luyện tập say sưa. Trung đội với hơn 50 học viên được trang bị 4 khẩu súng, máy bắn tập và một số thiết bị kèm theo. Mỗi người đều lần lượt được hướng dẫn cặn kẽ 3 tư thế bắn và thực hành tại chỗ.

Hoàng Thị Phương Thảo, sinh viên năm 3 chuyên ngành Thương mại điện tử, chia sẻ: Rất thú vị, đây là lần đầu tiên em được thực hành với súng thật. Sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, hỗ trợ của máy giúp em hiệu chỉnh đường ngắm chính xác. Việc tạo giả âm thanh tiếng nổ từ máy bắn tập giúp chúng em có cảm giác như bắn đạn thật.

Giảng viên Nguyễn Hải Dương, phụ trách Trung đội, cho biết: Trong nội dung tại thao trường, chúng tôi chia Trung đội thành các tiểu đội, mỗi tiểu đội lại chia thành các nhóm 3 người để các em chủ động nghiên cứu và thực hành; giảng viên chỉ làm nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn chung. Đồng thời kết hợp tổ chức nhiều trò chơi để tạo sự hấp dẫn. Các trò chơi nhằm giúp sinh viên rèn luyện tính tự chủ, trí nhớ, thính tai, tinh mắt, các giác quan và tinh thần đoàn kết, dũng cảm và kỹ năng chuyên môn trong hợp đồng tác chiến, tìm phương hướng...

Với nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trung tâm Giáo dục QP-AN (Đại học Thái Nguyên) luôn chủ động phối hợp với các nhà trường để nắm vững đối tượng sinh viên, thống nhất nội dung, chương trình, thời gian, từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch giảng dạy khoa học và phù hợp.

Đại tá Đinh Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đặc thù đào tạo và sinh hoạt là tập trung tại chỗ nên Trung tâm luôn quán triệt sinh viên thực hiện đúng “11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần” theo điều lệnh, qua đó rèn luyện cho các em tính kỷ luật, tác phong quân đội. Việc đảm bảo an toàn trong suốt khoá học cũng được đặc biệt quan tâm.

Một điểm nhấn đáng chú ý được Trung tâm Giáo dục QP-AN quan tâm là tăng cường các hoạt động hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại khóa nhằm tạo sự gắn kết giữa người học với người học, giữa Trung tâm với đơn vị liên kết.  Cùng với đó là các hoạt động vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng sống thú vị như: Hội thi nấu ăn mâm cơm chiến sĩ, nấu bếp Hoàng Cầm, vui cùng chiến sĩ, các trò chơi dân gian…

Em Đỗ Thị Phương Thảo, sinh viên năm 4 chuyên ngành Hệ thống thông tin kinh tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, nói: Khác với tưởng tượng ban đầu của em về một môi trường gò bó, các tiết học khô khan, thực tế những trải nghiệm tại Trung tâm rất thú vị. Từ khi vào đây em đã tham gia một giải thể thao và 3 buổi ngoại khoá. Môi trường quân đội rèn luyện sinh viên tính kỷ luật, ngăn nắp và sinh hoạt khoa học. Còn những buổi dã ngoại lại giúp chúng em có trải nghiệm cuộc sống của người lính từ sinh hoạt, huấn luyện diễn tập và trong chiến đấu. Đó là những điều rất cần thiết cho công việc và cuộc sống mỗi người sau này.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm Giáo dục QP-AN tổ chức giảng dạy cho trên 8.000 sinh viên, tỷ lệ đạt yêu cầu luôn ở mức cao. Để nâng cao chất lượng công tác, cùng với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, Trung tâm tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhân lực.

Hiện, đơn vị có 14 giảng viên là sĩ quan biệt phái đều được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường quân đội và 15 giảng viên là viên chức đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Đại tá Đinh Văn Long thông tin thêm: Chúng tôi thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn, cập nhật kiến thức về QP-AN, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đồng thời tự tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm theo từng chuyền đề để xây dựng giáo án khoa học, tạo sự hứng thú và hiệu quả cho mỗi tiết học.

Nhị Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: