Bảo vệ sức khỏe trong những ngày giá rét

Cập nhật: Thứ hai 21/02/2022 - 16:42
 Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên đã chuẩn bị đủ chăn ấm phục vụ điều trị bệnh nhân trong những ngày giá rét.
Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên đã chuẩn bị đủ chăn ấm phục vụ điều trị bệnh nhân trong những ngày giá rét.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét hiếm gặp trong suốt 40 năm qua. Trên địa bàn tỉnh, nền nhiệt độ ngoài trời ở trung tâm T.P Thái Nguyên ghi nhận là 8 độ C, ở những vùng núi cao như Định Hóa, Võ Nhai… thậm chí còn thấp hơn. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng hưởng với cái lạnh tê tái đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: Thời tiết lạnh làm mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu cùng oxy đến tim bị giảm, dẫn đến huyết áp tăng kéo theo các nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, nhất là khi con người hoạt động ngoài trời. Giá rét còn dẫn đến hạ thân nhiệt. Đây là tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm đến mức nguy hiểm, nghĩa là dưới 35 độ C. Lúc này, tim không thể hoạt động bình thường, quá trình tuần hoàn bị ảnh hưởng khiến cơ thể tê cóng. Nếu tình trạng hạ thân nhiệt không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, suy hô hấp và tử vong. Các triệu chứng của hạ thân nhiệt bao gồm run, chóng mặt, đói, buồn nôn, thở dốc, khó nói chuyện, nhầm lẫn, không thể phối hợp các bộ phận, mệt mỏi và tăng nhịp tim…

Đúng như chia sẻ của bác sĩ Hà, những ngày gần đây, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng khoa Thần kinh chia sẻ: 4 ngày qua, mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân đột quỵ, tai biến mạch máu não. Đây hầu hết là những ca bệnh nặng và đều là người lớn tuổi. Hiện nay, số bệnh nhân nội trú của Khoa đã lên đến hơn 100 người.

Giá rét cũng làm cho tình trạng đau nhức cơ xương khớp ở người già gia tăng. Bà Nguyễn Thị Thảo, tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng, thoái hóa khớp gối nên rất sợ mùa Đông, nhất là những ngày rét đậm, rét hại. Khi đó, hai đầu gối và lưng của tôi đau nhức, đi lại rất khó khăn.

Theo các bác sĩ, thời tiết lạnh giá như hiện nay cũng làm giảm khả năng miễn dịch của con người. Bởi, khi nhiệt độ càng xuống thấp thì việc đưa máu đến các chi để bảo toàn nhiệt độ cơ thể càng ít. Những hiệu ứng về thời tiết lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mùa Đông, nhất là ở người già và trẻ nhỏ như cảm lạnh; viêm họng cấp, viêm phổi; hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản… Nếu không được điều trị kịp thời, những bệnh này có thể biến chứng và ảnh hưởng đến tính mạng.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, tình trạng suy giảm hệ miễn dịch dễ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Minh chứng rõ nét nhất là trong hơn 20 bệnh nhân ở Thái Nguyên tử vong do mắc COVID-19, ngoài những người mắc bệnh lý nền, đã xuất hiện những trường hợp có sức khỏe yếu, khả năng miễn dịch kém, bị đột quỵ…

Trước những nguy hại do thời tiết lạnh giá, người dân Thái Nguyên đã chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ông Hà Duy Hiệu, 78 tuổi, ở tổ dân phố số 4, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) bộc bạch: Trời rét, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp nên vợ chồng tôi chỉ đóng cửa ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Chúng tôi cũng sử dụng các thiết bị làm ấm như đèn sưởi, chăn điện...

Còn chị Nguyễn Thị Dung, kinh doanh hoa quả trên đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên) cho hay: Sáng nào tôi cũng phải dậy sớm để đi lấy hàng, dọn hàng ra bán. Mấy hôm nay, sáng sớm, khi chạy xe máy, hai tay tôi lạnh cóng, dù đã đi găng tay. Dù vậy, nắng mưa, giá rét là “chuyện của trời” nên mình chỉ có thể ứng phó bằng việc mặc thật ấm, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc.

Trong thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay, các bác sĩ khuyên người dân nên hạn chế các hoạt động nặng nhọc ngoài trời. Trong trường hợp bắt buộc phải làm thì không gắng sức và nghỉ ngơi ngay nếu cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể, nhất là phần đầu, tai, bàn tay và bàn chân.

Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) khuyến cáo: Để phòng ngừa các bệnh khi thời tiết thay đổi, nhất là trong thời điểm nhiệt độ đang xuống thấp dưới 10 độ C, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa... Người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột, vì sẽ gây thay đổi về huyết áp, dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não. Mọi người không nên uống nhiều rượu vào mùa lạnh bởi chúng ta chỉ cảm thấy ấm hơn thực tế nhưng lại không nhận ra những ảnh hưởng của giá rét.

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, Sở Y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh đặc biệt là người già và trẻ em trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị. Cùng với đó, bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét hại hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do các loại vi rút đường hô hấp gây ra…

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: