Cảnh báo ngộ độc rượu methanol

Cập nhật: Thứ năm 01/09/2022 - 16:42
 Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol.
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol.

Dịp nghỉ lễ dài ngày, việc sum họp gia đình, tụ tập bạn bè sẽ không tránh được việc uống bia, rượu. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên lựa chọn loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, tránh rượu trôi nổi để không bị ngộ độc rượu methanol.

Kích thích vật vã, nhìn mờ sau nhiều ngày liên tục uống rượu

Ngày 24-8, bệnh nhân T.V.M (56 tuổi, ở thành phố Bắc Giang) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng kích thích vật vã, nhìn mờ. Trước khi nhập viện 3 ngày, người bệnh uống rượu liên tục.

Người bệnh được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau khi được xét nghiệm khí máu cấp cứu, bác sĩ thấy ông M. có biểu hiện toan máu. Kèm theo khai thác tiền sử nghiện rượu và các biểu hiện lâm sàng trước đó, người bệnh được chẩn đoán ngộ độc rượu chứa methanol, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Các bác sĩ đã chỉ định đặt ống nội khí quản cấp cứu, bù dịch và lọc máu liên tục 24 giờ cho người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, nhận biết được xung quanh, tuy còn nhìn hơi mờ nhưng đã được bác sĩ rút nội khí quản. Dự kiến, ông M. có thể xuất viện sau 1 tuần nữa.

Tại Khoa Hồi sức nội, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) đang điều trị cho bệnh nhân N.T.S, 52 tuổi, vào viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, hơi thở có mùi cồn, huyết áp tăng cao lên 210/100 mmHg, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Trước đó 2 ngày, ông S. đi liên hoan có uống rượu không rõ loại. Sáng hôm sau, ông có biểu hiện nhìn mờ, nhìn đôi, mệt mỏi, đau đầu, đến chiều cùng ngày nôn nhiều, ý thức lơ mơ, thở nhanh, gia đình vội đưa đi cấp cứu.

Thầy thuốc chẩn đoán nam bệnh nhân bị ngộ độc methanol đường uống mức độ nặng giờ thứ 36. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu là 61,6 mg/dL.

Bệnh nhân lập tức được cấp cứu bằng các biện pháp hồi sức tích cực như lọc máu liên tục sớm, kiểm soát cân bằng kiềm toan, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, hỗ trợ chức năng các tạng chống suy tạng, chăm sóc dinh dưỡng.

Sau 18 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân không còn nồng độ methanol trong máu. Năm ngày sau, ông S. được xuất viện. Đây là một trong số những ca ngộ độc methanol mà khoa Hồi sức nội tiếp nhận trong thời gian gần đây.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết người ngộ độc rượu methanol sẽ có nguy cơ tổn thương não.

Cẩn trọng với rượu trôi nổi

Theo TS, BS Phạm Thái Dũng, Chủ nhiệm khoa, ngộ độc methanol chỉ xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Bản thân methanol ít độc nhưng những chất chuyển hoá của nó lại có độc tính cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt tổn thương ở mắt và não...

Các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn, do sau khi cồn methanol vào cơ thể phải mất ít nhất 8 tiếng, đa phần 1-2 ngày sau cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như: mờ mắt, lơ mơ, khó thở, co giật và dần hôn mê.

Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của các ca bệnh ngộ độc methanol rất cao. Trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng có thể chịu di chứng nặng nề.

Trong dịp nghỉ Lễ 4 ngày này, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên người dân hạn chế uống rượu bia, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài ngày, chỉ sử dụng các loại rượu có nguồn gốc rõ ràng để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc methanol.

Nếu sau khi uống rượu có xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nhìn mờ, nhìn đôi thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, tránh nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Giải rượu đúng cách

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay có nhiều sai lầm trong cách giải rượu.

Việc cho người say rượu uống nước chanh, các đồ uống chua nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì sự kết hợp này dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có acid.

Do đó, để giải rượu cho người say nên cho họ uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…

Khi người say còn tỉnh táo, có thể gây nôn cho họ. Nhưng nếu với người không còn tỉnh, việc gây nên sẽ rất nguy hiểm vì người say sẽ bị sặc dẫn tới chất nôn tràn vào phổi gây ra viêm phổi.

Người dân không nên cố săn loại thuốc có tác dụng bổ gan, giải độc rượu bởi không có một loại thuốc giải độc nào chứng minh rõ ràng được tác dụng chống say rượu. Các loại thuốc này chỉ hỗ trợ một phần, bù lại một số chất vitamin, muối, đường, không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại.

Theo bác sĩ Nguyên, người dân không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu sau say rượu bia bởi rất có hại cho gan. Một số loại thuốc giảm đau... cũng sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, quá tải cho gan.


Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: