Chăm sóc người tăng huyết áp tại nhà

Cập nhật: Thứ hai 06/12/2021 - 15:18
 Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Thái (Đại Từ) kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân cao tuổi.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Thái (Đại Từ) kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân cao tuổi.

Thái Nguyên hiện có khoảng 30 nghìn người mắc bệnh cao huyết áp được theo dõi, quản lý và điều trị ngoại trú. Toàn tỉnh có 129/178 trạm y tế tuyến xã được phép quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp. Điều đó giúp người bệnh giảm được chi phí và thời gian đi lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tăng huyết áp, việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà cũng rất cần thiết.

Theo bác sĩ Phạm Thị Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm y tế phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) thì tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Trong đó, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là người lớn tuổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp chia làm 3 mức độ: Tăng huyết áp độ 1 hay tăng huyết áp nhẹ là khi chỉ số huyết áp tối đa từ 140 - 159mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 90 - 99mmHg. Tăng huyết áp độ 2 hay tăng huyết áp trung bình là khi huyết áp tối đa từ 160 - 179mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 100 - 109mmHg. Tăng huyết áp độ 3 hay tăng huyết áp nặng là khi huyết áp tối đa đo được từ 180mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu từ 110mmHg trở lên.

Nguy hiểm nhất là các biểu hiện của bệnh không rõ ràng nhưng lại gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các cơ quan nội tạng, đặc biệt là tim mạch, não, thận, phổi, mắt, mạch ngoại vi… khiến cho người bệnh liệt nửa người, thiếu máu cơ tim, hôn mê thực vật, trụy tim. Trong trường hợp nặng hơn, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị cho người bệnh, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì ngoài việc được thăm khám, lấy thuốc điều trị và uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể được theo dõi, điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ông Lê Quang Hùng ở xóm 6, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), nói: Tôi bị tăng huyết áp vài năm rồi. Hiện nay, dịch bệnh phức tạp, để tránh tụ tập đông người, các bác sĩ phát thuốc điều trị cho chúng tôi uống trong vòng 2 đến 3 tháng chứ không phải mỗi tháng 1 lần như trước. Vì vậy, chúng tôi được chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà là chính. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tôi luôn ghi nhớ “3 không” mà cán bộ y tế trạm tư vấn đó là: Không tự ý tăng, giảm hoặc ngưng dùng thuốc; Không uống thuốc “ngẫu hứng” lúc nhớ lúc quên; Ghi nhớ hai điều không nên ở trên và phối hợp đúng với chế độ ăn uống, luyện tập.

Theo bác sĩ Ngọc, khi điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà, việc luôn giữ huyết áp ổn định và theo dõi hết sức chặt chẽ tình trạng của người bệnh là rất cần thiết. Đa số trường hợp tăng huyết áp không có nguyên nhân rõ ràng nên người bệnh phải chủ động tìm ra nguyên nhân cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị an toàn, nhất là những người có kèm bệnh tiểu đường, mỡ máu, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận... càng phải thận trọng hơn.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để chăm sóc người bệnh tại nhà có hiệu quả, bên cạnh việc nhắc người bệnh uống thuốc đúng giờ và đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, người nhà tuyệt đối không cho phép bệnh nhân tự ý ngưng hay đổi thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ (vì đây là căn bệnh phải điều trị lâu dài). Cùng với đó, gia đình nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để đo huyết áp cho người bệnh 2 lần/ngày. Yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi trước khi đo huyết áp khoảng 15 phút và ghi vào sổ theo dõi huyết áp để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng hơn. Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi, không thức khuya, tránh lao động trí óc căng thẳng, kích thích thần kinh, lo lắng quá độ… nhằm hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn nhạt, giảm mỡ, đường; không ăn nhiều lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, các loại thức ăn nhanh, các loại thịt đỏ; hạn chế rượu, bia, cần ăn nhiều rau quả và tập thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh…

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: