Khi nào cần đưa trẻ đi khám lại sau khi mắc COVID-19?

Cập nhật: Thứ hai 11/04/2022 - 09:54
 Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Thời gian gần đây, số trẻ em mắc COVID-19 ở nước ta tăng cao. Mặc dù triệu chứng của COVID-19 ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn, số chuyển nặng và nhập viện ít, nhưng một tỷ lệ nhất định trẻ sau khi mắc COVID-19 tồn tại kéo dài các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác…

Theo các bác sĩ, với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường xảy ra sau mắc COVID- 19 khoảng từ 2-6 tuần.

Những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch có những triệu chứng như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ; mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác.... có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập; ho kéo dài, đau họng, khó thở; đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.

Hoặc trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý. Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, cha mẹ nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).

Theo Healthychildren.org, việc chủng ngừa đầy đủ vắc-xin COVID-19 (Pfizer/BioNTech) được chứng minh có thể ngăn ngừa COVID-19 ở trẻ em từ 12-18 tuổi. Nếu con trẻ có những triệu chứng như sốt mà không rõ nguyên nhân sau khi mắc COVID-19, cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ. Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng ở trẻ em và cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt. Trẻ gặp tình trạng này sẽ phải nhập viện và thường phải ở phòng chăm sóc đặc biệt.

Cũng theo Healthychildren.org, “COVID-19 kéo dài” là một thuật ngữ chung chỉ những triệu chứng sức khỏe thể chất và tinh thần mà một số bệnh nhân gặp phải sau 4 tuần hoặc nhiều hơn sau khi nhiễm virus SARS- CoV-2. Tốt nhất, trong 4- 12 tuần đầu tiên sau khi bị bệnh, cha mẹ cần hướng trẻ đến lối sống lành mạnh để giúp cải thiện các triệu chứng. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, con bạn có thể cần những xét nghiệm bổ sung.

Ngoài ra, chuyên gia y tế cũng cho biết, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa vào khoảng thời gian 4- 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu COVID-19. Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu COVID-19 là dự phòng nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vắc-xin COVID-19 khi có chỉ định. Khi trẻ mắc COVID-19, cần theo dõi, chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và đưa trẻ tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế kịp thời.

TNĐT (b/s)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: