Lưu truyền nhiều bài thuốc quý

Cập nhật: Thứ tư 31/08/2022 - 09:10
 Người dân xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), trồng cây sâm báo để sản xuất các loại thuốc bồi bổ cho sức khỏe con người.
Người dân xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), trồng cây sâm báo để sản xuất các loại thuốc bồi bổ cho sức khỏe con người.

Thuốc Nam chính là những dược liệu nước Nam. Dùng thuốc Nam là một phương pháp điều trị bệnh theo y học cổ truyền. Dựa theo kinh nghiệm dân gian và những nguyên tắc nhất định, việc phối hợp, sử dụng các vị thuốc tạo ra những bài thuốc có tác dụng chữa những loại bệnh khác nhau. Hiện, Việt Nam đã phát hiện, tích lũy được kho tri thức khổng lồ về dược liệu và y học cổ truyền với khoảng 1.300 bài thuốc dân gian. Trong đó có nhiều bài thuốc hay đang được lưu truyền và gìn giữ tại Thái Nguyên.

Là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, nhất là dãy núi đá vôi thuộc địa phận các xã Sảng Mộc, Nghinh Tường, Thượng Nung, Thần Sa, Cúc Đường, La Hiện… (Võ Nhai), Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về cây, con làm thuốc đã được điều tra với trữ lượng tương đối lớn.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có rất nhiều loại dược liệu đang có trong các khu rừng của Thái Nguyên hoặc được người dân mang từ rừng về nhân giống và trồng trong vườn nhà.

Đặc biệt, nhiều người dân đã phát triển thành công nhiều cây dược liệu quý, tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất thuốc rộng lớn. Đơn cử như anh Dương Trung Hiếu, 39 tuổi, xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai), đã trồng thành công và cung cấp ra thị trường nhiều loại dược liệu quý như: Bạch hạc, cát sâm, sâm đại hành…

Đặc biệt, với trên 1,3 triệu dân gồm nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu, Cao Lan… cùng sinh sông, Thái Nguyên không chỉ mang vẻ đẹp riêng có của các giá trị văn hóa phi vật thể mà còn có vốn tri thức y học cổ truyền phong phú với những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian đặc trưng của các dân tộc.

Đến nay, nhiều ông lang, bà mế trên địa bàn tỉnh đã gìn giữ và phát huy giá trị của cây thuốc Nam trong điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Điển hình như bài thuốc Nam chữa gẫy xương của ông Đặng Xuân Chín, xã Mỹ Yên (Đại Từ).

Theo ông Chín, bài thuốc điều trị cho những người bị gẫy xương gồm: Lá và dây đau xương tươi, vỏ cây gạo, lá hoặc dây tứ phương tươi, lá và cây hy thiên. Cách bào chế loại thuốc này cũng rất đơn giản, chỉ cần giã nhỏ, trộn đều và gói thành từng gói nhỏ đắp và bó vào chỗ xương bị gẫy (tùy theo vết thương to hay nhỏ để điều chỉnh thuốc cho phù hợp). Liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 20 đến 40 ngày tùy theo độ tuổi.

Bài thuốc của ông Chín đã điều trị thành công cho rất nhiều người. Bà Đàm Thùy Dương, ở phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), nói: Tôi từng bị gẫy xương sườn do tai nạn giao thông. Tôi chọn đắp thuốc Nam của thầy lang Chín. Đắp thuốc Nam, tôi thấy thoải mái. Đáng nói, chỉ sau hơn 20 ngày bó thuốc, tôi đi chụp Xquang lại thì thấy chỗ xương bị gẫy đã liền và phục hồi tốt…

Nhiều bài thuốc Nam khác cũng đang được người dân sử dụng hiệu quả như: Bài thuốc chữa đau dạ dày gồm mật ong và nghệ; sử dụng lá bạc hà chữa đau răng; cây bông mã đề và râu ngô sử dụng đun làm nước uống chữa viêm đường tiết niệu… Các loại thuốc Nam này đều rất dễ kiếm, an toàn khi sử dụng vì là các loại cây được lấy từ thiên nhiên.

Ngoài những tiềm năng sẵn có, từ cuối tháng 6 vừa qua, Chi hội Nam y tỉnh Thái Nguyên được thành lập đã trở thành “ngôi nhà chung” của các ông lang, bà mế, những người đang lưu giữ và phát huy các bài thuốc Nam gia truyền trên địa bàn.

Bà Phan Thị Phương Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Nam Y tỉnh, nói: Chi hội có 65 hội viên tham gia sinh hoạt. Không chỉ hoạt động với mục đích tập hợp hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, chúng tôi còn mong muốn giữ gìn, bảo tồn những bài thuốc Nam quý, góp phần xây dựng nền y học Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển…

Tuy nhiên, theo bà Hằng, tại Thái Nguyên nói riêng, trên cả nước nói chung đang xuất hiện tình trạng không ít nguồn dược liệu bị lãng phí do người dân không sử dụng hoặc chưa biết cách sử dụng, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, nhiều người lạm dụng thuốc Tây.

Thêm vào đó là tình trạng người dân sử dụng thuốc Nam bừa bãi, không rõ nguồn gốc, tác dụng. Tại Võ Nhai, đã xuất hiện tình trạng bệnh nhân bị ung thư vú, tự ý đắp lá thuốc tại nhà dẫn tới tình trạng khối u phát triển nhanh chóng và bị di căn, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và hiệu quả điều trị sau này. Bởi vậy, mong muốn của những hội viên Chi hội Nam y tỉnh là Thái Nguyên nên tận dụng tối đa những nội lực vốn có bằng cách nâng cao giá trị của dược liệu cũng như những bài thuốc Nam. Có hướng phát triển, quy hoạch nguồn dược liệu thành hàng hóa, phục vụ lợi ích của người dân bằng các mô hình vườn ươm, khu bảo tồn…

Với những cây thuốc sẵn có trong tự nhiên, chúng ta cần xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác từng loại cây đảm bảo khả năng tái sinh tự nhiên, không gây biến động lớn đối với quần thể. Đặc biệt, người dân không được tự ý mua thuốc Nam về uống, đắp, tự điều trị tại nhà những bệnh nan y như ung thư, suy thận mãn… mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng phác đồ.

H.D
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: