Nỗ lực phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng

Cập nhật: Thứ tư 26/10/2022 - 09:05
 Cán bộ Bệnh viện Phổi Thái Nguyên soi tiêu bản xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.
Cán bộ Bệnh viện Phổi Thái Nguyên soi tiêu bản xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

Là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, bệnh lao ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Để khống chế hiệu quả bệnh lao, việc phát hiện sớm và quản lý người mắc lao trong cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Với nhiều nỗ lực, 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và thu nhận trên 700 người mắc lao và lao tiềm ẩn.

Ông Lý Duy Đường, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), là một trong những trường hợp mới phát hiện mắc lao trong tháng 8-2022. Ông cho biết: Trước đó, tôi bị ho kéo dài, tưc ngực, khó thở, đờm khó khạc, mệt, sốt nóng, ngủ kém và gầy sút cân trông thấy. Tôi đến khám, điều trị tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Sau đó, tôi được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên. Hiện, sức khỏe của tôi đã ổn định, tôi đang được Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên quản lý, theo dõi. Hàng tháng, Trung tâm chuyển thuốc điều trị về Trạm Y tế phường để tôi đến lấy.

Ông Đường chỉ là một trong số bệnh nhân mắc lao trên địa bàn tỉnh đang được quản lý, theo dõi điều trị tại cộng đồng. Bác sĩ CK II Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, cho hay: Để thanh toán bệnh lao, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là yếu tố then chốt. Bởi vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động đi khám khi có các triệu chứng của bệnh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng một vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, Thái Nguyên đã tổ chức truyền thông rất tốt nên hầu hết các bệnh nhân mắc lao đều được phát hiện, điều trị kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Tiền, sau khi được điều trị đúng tuyến (tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên), bệnh nhân được chuyển về địa phương để tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Đáng mừng là hiện tại mạng lưới chống lao trên địa bàn tỉnh đã được củng cố ở cả ba tuyến (tỉnh, huyện, xã). Ngoài thực hiện tốt công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao, việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng đã được các tuyến phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều tham gia theo dõi, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng.   

Theo đó, các tuyến đã từng bước nâng cao chất lượng công tác điều trị. Đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu về điều trị bệnh lao (Bệnh viện Phổi Thái Nguyên), không chỉ thực hiện tốt vai trò tham mưu với Sở Y tế về công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh mà còn tích cực đầu tư trang thiết bị y tế; tạo điều kiện cho cán bộ y tế của đơn vị được đi học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa cho bệnh nhân mắc lao.  

Bác sĩ Tiền cho biết thêm: Bệnh lao khó phát hiện và điều trị kéo dài. Bệnh nhân mắc lao chỉ nằm viện điều trị giai đoạn tấn công trong bệnh viện. Thời gian còn lại điều trị tại cơ sở và cộng đồng dưới sự giám sát của y tế tuyến huyện,  xã và y tế thôn bản. Do đó, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên xác định công tác chỉ đạo tuyến là nhiệm vụ không thể tách rời công tác khám, chữa bệnh. Những năm qua, hoạt động giám sát của Chương trình chống lao tỉnh xuống các tuyến luôn được thực hiện thường xuyên, đều đặn nên việc phát hiện và phòng chống lây nhiễm lao trong cộng đồng được thực hiện hiệu quả...

Có thể thấy, công tác phòng, chống lao tại Thái Nguyên đã đạt được kết quả rất tích cực khi bệnh nhân lao khỏi và hoàn thành điều trị đạt trên 95%.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn đang gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa do nhận thức về bệnh lao chưa đúng và đầy đủ nên còn giấu bệnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, vẫn còn trường hợp bệnh nhân mắc lao chưa tuân thủ điều trị đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Cùng với đó, kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống lao còn hạn chế và chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống lao ở các tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên không cập nhật được những nội dung mới trong phòng chống lao cũng là một trở ngại lớn trong quá trình thanh toán lao ở Thái Nguyên.

Đặc biệt, dù đây là chuyên khoa lây nhưng chế độ đặc thù cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã không có nên chưa khuyến khích được các y, bác sĩ… gắn bó lâu dài với các hoạt động phòng, chống lao.

Một trong những trở ngại nữa là hầu hết người mắc lao đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi việc thanh toán điều trị lao chuyển sang nguồn của bảo hiểm y tế (từ tháng 7-2022), một phần kinh phí phải đồng chi trả cũng làm tăng gánh nặng về kinh tế cho bệnh nhân lao. Đó là chưa kể đôi khi nguồn thuốc điều trị lao cung ứng chưa kịp (dọ phụ thuộc vào kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia) cũng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị lao…

Bởi vậy, thời gian tới, lực lượng làm công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng. Trong đó, lưu tâm đến việc phân bổ và hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn kinh phí được cấp; có chế độ đặc thù cho cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lao. Đặc biệt, tỉnh nên hỗ trợ bệnh nhân lao phần kinh phí mà họ phải đồng chi trả trong khám chữa bệnh lao từ nguồn bảo hiểm y tế...

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: