Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Tiếp thêm động lực vượt khó

Cập nhật: Thứ bẩy 25/09/2021 - 07:16
 Ngày 17/9/2021, Đại học Thái Nguyên tổ chức phát động ủng hộ chương trình “Máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh được hơn 1 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, ở vùng khó khăn. Ảnh: T.N
Ngày 17/9/2021, Đại học Thái Nguyên tổ chức phát động ủng hộ chương trình “Máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh được hơn 1 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, ở vùng khó khăn. Ảnh: T.N

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động mới đây đã mở ra cơ hội lớn giúp các em học sinh (HS) nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, HS ở “vùng lõm” thông tin… có đủ điều kiện học tập trực tuyến trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với Thái Nguyên, Chương trình đang được tỉnh triển khai mạnh mẽ với mục tiêu tất cả HS nghèo, ở vùng khó đều được tiếp cận với kiến thức.

Tết Trung thu vừa qua là một dịp vui và đáng nhớ đối với em Bàn Văn Đại, HS lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai) khi em nhận được quà của tỉnh là chiếc điện thoại thông minh và sim 4G truy cập Internet tốc độ cao để có thể kết nối với thầy, cô giáo trong giờ học trực tuyến. Đây là niềm mơ ước lâu nay của Đại nhưng rất khó thực hiện đối vì gia đình em thuộc diện hộ nghèo, sinh sống ở chòm xa nhất của xóm Nác - một trong những xóm khó khăn nhất huyện vùng cao Võ Nhai. Đại chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên những đợt học trực tuyến trước đây, cháu không được tham gia vì không có thiết bị kết nối Internet.

Bàn Văn Đại chỉ là 1 trong 300 HS trên toàn tỉnh được tặng điện thoại thông minh và sim 4G truy cập Internet tốc độ cao trong đợt đầu tiên Thái Nguyên triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động với mục tiêu hỗ trợ 1,5 triệu HS toàn quốc về thiết bị và Internet để học trực tuyến trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Em Bàn Văn Đại, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Liên Minh (Võ Nhai) vừa được tặng quà của tỉnh là điện thoại thông minh và sim 4G để học trực tuyến.

Ngay tại Lễ phát động diễn ra tối 12-9 vừa qua, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố kết quả huy động được trên 20 nghìn thiết bị học trực tuyến tặng cho HS khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rà soát lại tình trạng thực tế để có phương án hỗ trợ cụ thể, hiệu quả. Trên cơ sở rà soát, tỉnh sẽ phát động, vận động các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp… hỗ trợ thiết bị dạy và học cho cả HS và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn theo quan điểm: “Thái Nguyên nhất quyết không để HS nào gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là học trực tuyến”.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, qua thời gian thực hiện dạy và học trực tuyến đối với cấp học phổ thông, toàn tỉnh đã có 90,3% HS đủ điều kiện tham gia học tập; 9,7% HS tương đương với trên 24,5 nghìn em chưa có điều kiện học tập trực tuyến. Trong đó, gần 13,5 nghìn em cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến và gói cước Internet di động, trên 11 nghìn em cần hỗ trợ Internet. Số HS thiếu thiết bị học trực tuyến hoặc không có đường truyền Internet tập trung chủ yếu ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ.

Trong đợt hỗ trợ thứ nhất theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 300 thiết bị học tập trực tuyến cho các HS có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 600 triệu đồng. VNPT Thái Nguyên hỗ 300 sim điện thoại kèm theo gói data dung lượng 2GB mỗi ngày, trong vòng 3 tháng trị giá 60 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong các thời điểm phải cho HS học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát hệ thống đường truyền Internet tới các cơ sở giáo dục đồng thời cung cấp, hướng dẫn các nhà trường, giáo viên và HS nền tảng hỗ trợ học qua mạng để đảm bảo việc quản trị, dạy - học đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với HS không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, Ngành đã chỉ đạo các nhà trường giao bài tập, tổ chức nhóm học nhỏ cho HS có thiết bị kèm HS không có thiết bị cùng kết nối với nhà trường để học tập đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HS không thể tiếp cận với hình thức học trực tuyến do thiếu thiết bị kết nối, thiếu đường truyền Internet trong khi vị trí sinh sống biệt lập hoặc không ở gần với HS có thiết bị kết nối. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động với 1.670 điểm thu phát sóng điện thoại di động, phủ sóng gần 99% xóm trên địa bàn; 100% xã có Internet cáp quang; 98% xóm có thể tiếp cận với Internet, cáp quang truyền hình… Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện toàn tỉnh có 134 xóm hoặc khu vực có HS sinh sống chưa có mạng Internet. Các khu vực này hầu hết đều thuộc vùng sâu vùng xa, địa hình chia cắt bởi núi cao và mật độ dân cư thưa thớt.

Để phủ kín Internet tại những “vùng lõm” thông tin này, theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai Chương trình viễn thông công ích trên địa bàn để hỗ trợ các đơn vị viễn thông lắp đặt cáp quang từ trung tâm xã đi các xóm vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nhà trường và các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ Internet băng thông rộng, chất lượng cao. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ có chính sách hỗ trợ thiết bị cho HS cuối các cấp học tham gia học trực tuyến đồng thời đề nghị các doanh nghiệp viễn thông miễn, giảm cước cho giáo viên và HS trong thời điểm phải học trực tuyến. 

Thu Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: