Giáo dục trước yêu cầu đổi mới

Cập nhật: Thứ tư 01/09/2021 - 07:19
 Trường THCS Nguyễn Du (T.P Thái Nguyên) vừa được Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên hỗ trợ trên 100 triệu đồng để nâng cấp, cải tạo khuôn viên sạch - đẹp.
Trường THCS Nguyễn Du (T.P Thái Nguyên) vừa được Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên hỗ trợ trên 100 triệu đồng để nâng cấp, cải tạo khuôn viên sạch - đẹp.

Một năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Năm học 2021-2022, trước những yêu cầu đổi mới về Chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng tiếp tục đặt ra những kỳ vọng về đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài tương lai.

Trước đó, tại Hội nghị toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tâm huyết chia sẻ những mong muốn về vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất. Học tập và nâng cao trình độ, cải thiện chất lượng phải là nhu cầu tự thân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà tỉnh Thái Nguyên lại sẵn có tiềm năng, thế mạnh và truyền thống của một trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng.

Do đó, mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục và môi trường giáo dục - nơi trực tiếp tạo ra chất lượng giáo dục chính là nơi đặt nền móng cho đổi mới và tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hỗ trợ tích cực cho phát triển giáo dục. Vấn đề phát triển toàn diện giáo dục không thuần túy là hoạt động dạy kiến thức mà phải giáo dục học sinh hình thành đạo đức, nhân cách tốt, phát huy tính chủ động sáng tạo trong tư duy học tập... Đây cũng chính là chủ đề và nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đề ra trong năm học 2021-2022 đó là: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục”.

Một trong những chuyển biến tích cực và cũng là tiền đề của năm học đầu tiên ngành Giáo dục bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đó là bảo đảm chất lượng đội ngũ và cải thiện môi trường giáo dục từ mỗi nhà trường. Báo cáo đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên toàng ngành Giáo dục năm 2021 đã phân tích từng cấp học theo chuẩn đào tạo: Trong số trên 18.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh, hơn 82% có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, trong đó, tỷ lệ giáo viên cấp THPT 100% đạt chuẩn và có gần 40% trên chuẩn.

Trường Mầm non Hùng Sơn 2 (Đại Từ) đã được đầu tư đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có nhiều thiết bị tập luyện thể chất, vui chơi cho trẻ được các nhà hảo tâm tài trợ. Ảnh: T.L

Thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đến hết năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 583/684 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ trên 85%. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ trên 87%, cấp tiểu học có 97%, cấp THCS đạt trên 70% và cấp THPT đạt trên 60%. Trước thềm năm học mới, các địa phương đã bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung và huy động nhiều nguồn lực tài trợ khác tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện môi trường giáo dục ngày một tốt hơn. Điển hình như huyện Phú Bình dành trên 100 tỷ xây dựng nâng cấp, kiên cố và xây mới hàng trăm phòng học, trường học cao tầng. Hoặc như T.P Thái Nguyên dành trên 40 tỷ đồng nâng cấp các trường bảo đảm giữ chuẩn Quốc gia và vận hành kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với các chương trình đầu tư từ ngân sách, các địa phương đều đón nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn lực xã hội tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng trường học. Theo thống kê của ngành Giáo dục, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận được hàng chục tỷ đồng bằng các công trình nâng cấp, sửa chữa xây mới trong các trường học, góp phần nâng cao chất lượng trường chuẩn Quốc gia. Sự đóng góp nguồn lực của xã hội cho giáo dục cũng chính là sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của từng trường học và từng địa phương trong tỉnh.

Năm học 2021-2022 là năm học thứ hai toàn tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch của Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã chủ động thực hiện tốt các kế hoạch triển khai đối với lớp 1, đồng thời triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho lớp 2 và lớp 6 của năm học 2021-2022.

Trong điều kiện vừa học vừa phòng, chống dịch COVID-19, toàn ngành đã linh hoạt chuyển trạng thái học trực tiếp sang học trực tuyến và dạy học gián tiếp. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch và chương trình năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời bảo đảm duy trì chất lượng dạy và học, bảo đảm an toàn trường học. Hơn 96% học sinh được học đầy đủ chương trình trong thời gian giãn cách không học tập trung trực tiếp tại trường; gần 80% học sinh được học trực tuyến; trên 98% giáo viên thực hiện thuần thục kỹ năng dạy học trực tuyến... Đó là những con số và là nhân tố để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học mới trước những yêu cầu mới, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Năm học mới đã đến rất gần. Biết bao điều kỳ diệu của thế giới tri thức, của niềm tin và mơ ước đang chờ đón học sinh và các thầy, cô giáo. Thành tựu năm học 2020-2021 chính là cơ sở xã hội đặt niềm tin, kỳ vọng vào những quyết tâm đổi mới của giáo dục.

Trần Nguyên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: