Giúp người dân vơi bớt nỗi lo
Ở xã Vạn Thọ (Đại Từ), nhiều gia đình tự chuẩn bị 1-2 chiếc thuyền để di chuyển khi nước ngập sâu. |
Những năm qua, huyện Đại Từ là một trong những địa phương của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai. Do vậy, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, bám sát địa bàn, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai… là những giải pháp đang được địa phương này tích cực thực hiện nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Xóm Ao Soi, xã Na Mao hiện là một trong những điểm “nóng” về nguy sạt trượt, lở đất do nằm gần bãi thải của Mỏ than Minh Tiến (Công ty CP Yên Phước). Liên tiếp những năm gần đây, khu vực này thường xuyên xảy ra sạt lở đất, bùn thải vùi lấp ruộng, vườn, công trình của người dân mỗi khi mưa lớn. Trong khi công tác phối hợp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng chưa hoàn thiện thì mới đây, Công ty CP Yên Phước phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến những sai phạm trong quá trình khai thác khoáng sản, vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai hoàn toàn do địa phương chủ động.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Hiện, khối lượng chất thải nằm ở lưng chừng núi Hồng rất lớn, đe dọa đến sự an toàn của người dân ở khu vực bên dưới. Ngoài các hộ đã được di dời, hiện xã còn 7 hộ sinh sống cách chân bãi thải khoảng 500-700m.
Nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc, xã Vạn Thọ thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi nước hồ dâng cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để chống ngập, nhiều hộ đã phải nâng cao nền nhà, công trình. Mỗi gia đình cũng tự trang bị 1-2 chiếc thuyền để chủ động đi lại khi nước dâng…
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ thông tin: Xã có 28 hộ dân thường xuyên bị ngập úng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mưa bão. Khi có hiện tượng ngập úng, chúng tôi bố trí lực lượng hỗ trợ người dân di dời. Song, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các hộ này cần được di dời đến nơi an toàn để yên tâm sinh sống, sản xuất.
Theo rà soát của huyện Đại Từ, hiện địa phương có 15 khu vực dân cư với trên 350 hộ có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai. Để chủ động ứng phó với các tình huống, huyện đã xác định khu vực trọng điểm ảnh hưởng, như: Vùng hay xảy ra lũ quét ở sườn ven chân núi Tam Đảo, dưới chân núi Hồng, núi Chúa; vùng xảy ra sạt lở đất ở các xã Tân Thái, Phục Linh, Tân Linh, Phú Cường...; vùng xảy ra sụt lún đất ở khu vực chân núi Tán… Từ đó, xây dựng phương án ứng phó cụ thể theo từng cấp độ rủi ro.
Theo ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ: Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, mới đây, huyện đã yêu cầu các xã Na Mao, Phú Cường xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với các khu vực có liên quan đến Mỏ than Minh Tiến; tiến hành cắm biển báo và nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân đi vào khu vực đang có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, chúng tôi đã rà soát, phân loại và thống kê cụ thể số nhân khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai để tiến hành di dời ngay khi có thông tin dự báo xảy ra mưa bão. Từ đầu năm đến nay, huyện đã di dời khẩn cấp 16 hộ nằm trong vùng sạt lở tại xã Quân Chu và Na Mao đến nơi an toàn.
Để chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, huyện cũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có phương án chủ động ứng phó; huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân ngay sau khi thiên tai xảy ra…